Theo dõi trên

Bắt tay vào xây dựng 3 trụ cột kinh tế

01/01/2021, 11:15

BT- Năm 2020 đầy khó khăn, biến động vừa khép lại, năm 2021 đến trong hy vọng và cả hồi hộp, lo âu khi mối đe dọa dịch Covid-19 vẫn thường trực. Năm mới, Bình Thuận cùng cả nước vẫn phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa “chống dịch như chống giặc”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là không được phép lơ là, mất cảnh giác với Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, đời sống của các tầng lớp nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới này.

Nhưng năm 2021 còn có ý nghĩa đặc biệt, là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Trong Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIV, ngay trong năm 2021 Tỉnh ủy sẽ ban hành 7 nghị quyết quan trọng gồm:

Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị.

Nghị quyết phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành 1 trụ cột kinh tế của Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025.

Nghị quyết phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.

Nghị quyết thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2020 - 2025.

Để phát triển mạnh 3 trụ cột kinh tế đã được Đại hội XIV xác định là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề trên, Bình Thuận sẽ xúc tiến nhiều đề án quan trọng khác. Đối với du lịch là đề án phát triển kinh tế ban đêm; đề án đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch; đề án “Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”, trong đó lấy Hàm Tiến - Mũi Né làm “điểm nhấn” để lan tỏa...

Đối với công nghiệp là đề án tái cơ cấu ngành công thương; đề án trung tâm năng lượng , phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành 1 trụ cột kinh tế của Bình Thuận; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, mặt nước, quy hoạch, đường truyền tải điện, môi trường... để phát triển mạnh công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời, điện khí...

Đối với nông nghiệp, Bình Thuận tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực của Trung ương để đầu tư các công trình thủy lợi, mục tiêu đến 2025 chủ động được nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt; thủy sản sẽ tái cơ cấu lại đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi hải sản trên biển hiệu quả...

Đặc biệt từ năm 2021, Bình Thuận bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện, để đón đầu khai thác các thuận lợi về giao thông khi tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận hoàn thành và sân bay Phan Thiết đưa vào sử dụng. Chắc chắn các khu du lịch, khu công nghiệp, các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa ở Bình Thuận sẽ hưởng lợi và tăng sức cạnh tranh, khi kết nối được với các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

                                                     Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt tay vào xây dựng 3 trụ cột kinh tế