Theo dõi trên

Bên nay bờ sông Cái

05/10/2019, 10:04

BT- Sau bao năm theo dòng đời nổi trôi, tình cờ tôi gặp lại anh - người bạn chung Trường Phan Bội Châu ở những năm 1964, và càng thân nhau hơn từ lúc chúng tôi học thêm, luyện thi đệ thất trong những tháng hè tại trường của cô Năm Thông ở Lại Yên (Hàm Thắng). Kể lại chuyện xưa, anh bùi ngùi luyến tiếc, bởi với anh thì cái tên Lại Yên (hay Lại An) xưa lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Thích là vì nó đã in sâu trong tuổi thơ cho đến lúc lớn lên phiêu bạc. Và cũng bởi ngay trong giấy khai sinh cũ của anh vẫn còn ghi địa danh này. Với anh đó đích thực là 2 tiếng quê hương.

                
Dòng sông Cái. Ảnh: Đình Hòa

Dọc đường quốc lộ 1 - từ Phan Thiết về hướng Bắc khoảng 5 km là đến UBND xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc là tên gọi hiện nay, trước kia nơi đây có tên là làng Lại Yên thuộc quận Thiện Giáo. Làng Lại Yên xưa là mà theo những cụ già xưa là một nhánh lưu dân người Việt từ đàng Trong vào đến Phú Hài tụ cư, dựng nghiệp. Số người bám biển thì ở lại Phú Hài, số còn lại thì phát hoang lập vườn lập ruộng, từ đó lấn dần về phía Tây men theo bờ bên này dòng sông Cái, lập nên 2 làng Lại Yên và Kim Ngọc, xa hơn nữa là xóm Lụa, Hội Nhơn.

Dòng sông Cái bắt nguồn miền thượng Gia Bát chảy về được gọi là sông Quao, đến làng Bình Lâm thay tên thành sông Hội Nhơn, về đến đất Phú Long, Lại Yên có tên là sông Cái. Bên này sông 2 làng Kim Ngọc, Lại Yên nằm kề, ôm ấp nhau một vùng quê trù phú, có ruộng có vườn, có đình làng, có cây đa bến nước với nhiều nghề thủ công, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân.

So với nhiều làng xã khác trên địa bàn Hàm Thuận, thì làng Lại Yên xưa được xem là một trong những làng tiêu biểu cho bản sắc làng quê Việt Nam trên bước đường mở cõi phương Nam. Nhiều ngôi nhà cổ cả trăm năm thấp thoáng ẩn mình trong những khuôn viên vườn cổ xưa thoáng mát. Bà con, dòng họ nhiều đời sống quấn quít chan hòa, lấy lễ nghi, tín nghĩa đối xử với nhau. Cuộc sống chủ yếu lấy nghề nông làm chính, một số ít mở đất làm muối ở đồng dưới, giáp Trinh Tường - nơi vùng đất thấp. Đặc biệt ở mỗi xóm, ấp ngày trước có chuyên một nghề được xem là biểu tượng, ấp An Trường Thạnh - nay là thôn Ung Chiếm, có nghề nuôi ngựa và đóng xe để vận chuyển người cùng hàng hóa; ấp An Hòa - nay là thôn Thắng Hòa, chuyên nghề làm ông lò, ông táo nên có tên xóm Hỏa Lò; ấp An Lợi  - nay là thôn Thắng Lợi, chuyên làm nghề dệt đệm lá buông. Nhà bạn tôi ở Thắng Lợi cạnh con mương lớn gọi là Mương Bàu, tuổi thơ anh cũng gắn với những công việc phụ đồng hay đệm lá, nối dây buông. Trên khắp đường làng vào mùa phơi lá, màu trắng vàng non của từng bẹ buông được tách rời rồi trải ra phơi có lúc mấy mươi chiếc cả xe ngựa, xe bò xếp hàng dài đến Rừng Lá để chặt lá buông. Treo ngọn đèn dầu trước càng xe, chiều tối bắt đầu đi đến sáng thì chặt lá xong, con bò, con ngựa cứ thế mà đi về không cần người ra roi hướng dẫn.

Về nhà, lá buông già chặt bỏ đầu đuôi, xếp trở đầu tàu lá rồi ghim lại thành từng tấm dùng để lợp nhà, dừng vách. Lá buông non phơi hơi héo khoảng 2 nắng, bó lại thành từng bó để dành, đến khi làm phải lấy ra trước từ buổi chiều, trải phơi sương 1 đêm cho mềm, ép mặt lá phẳng ra để đem vào đưa lên bàn kéo sợi. Sợi lá kéo ra dài ngắn tùy theo từng loại lá, bề ngang sợi lá chừng 1 - 2 phân, bó lại thành từng bó gọi là con lá. Đem phân từng con lá cho từng người nối lại thành sợi lá dài rồi cuốn lại sao cho không rối để dệt thành tấm gọi là gùi lá. Bề ngang khung dệt đệm cũng như khung dệt chiếu, dệt theo khách đặt hàng thường từ ngang 8 tấc đến 1,2m. Dệt xong thành tấm, cuốn lại thành cuốn gọi là cuộn đệm, 10 cuộn đệm bó lại thành bó gọi là gọn đệm. Các gọn đệm này được bán thẳng cho khách hàng hay chuyển qua bộ phận khác để làm ra sản phẩm như: bao đựng muối xác mắm, tấm đệm, mành che mưa nắng, chắp đôi may lại làm tạm lá buồm ghe… Phần sợi lá kéo còn thừa cùng với sóng lá được tách ra, đem chẻ 2 đập giập nhúng nước nối lại rồi đánh quay xa thành cuộn dây dài bằng cỡ ngón tay, đem bán cho ngư dân đánh lại thành dây neo, dây chão, dây kéo buồm, hoặc lựa sóng cái để riêng bó lại bỏ riêng cho các tiệm bán làm diều giấy, lồng đèn, chẻ lạt cột làm nhà, chằm vách…

                
Làm khuôn bánh căn, bánh xèo tại xóm Hòa    Lò. Ảnh: Đình Hòa

Còn về cái xóm Hỏa Lò làm ra các sản phẩm lò đốt củi hoặc than, lò nấu cơm, lò đổ bánh căn, bánh xèo, khuôn đúc bánh. Đất sét đào ở bờ sông chuyển về đổ đống, khoét lỗ chính giữa cho tro trấu và nước vào rồi đạp chân cho nhuyễn từ trong ra ngoài, xong xắn khúc đắp lại thành cây, dùng lá chuối khô đậy lại để giữ độ mềm, nung đốt lò chỉ toàn bằng trấu và một ít củi nhỏ. Riêng nghề mộc cũng rất thịnh hành với những món bàn ghế, tủ thờ, hoành phi, sập gụ theo kiểu cổ, có nơi còn lưu lại đến mãi bây giờ. Tất cả sản phẩm làm ra đều được tập trung tại ngã tư Lại Yên để chuyển đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

Vui, anh bạn nhắc lại với tôi về kỷ niệm ngày xưa 2 đứa còn đi học, phần tôi là cái cà mèn cơm với trứng vịt luộc, ít nước mắm ở ngăn trên, có khi đi bộ từ Phan Thiết lên, còn anh quần đùi, chân không, thả đống dây buông chụp vội cuốn vở chạy đến trường. Ngôi trường cô Năm Thông nằm gần ngã tư, với dãy nhà ngang lợp ngói làm lớp học, phụ với cô Năm là 2 thầy cô giáo mà chúng tôi quen gọi là anh Hai, chị Hai - lúc đó lớn hơn chúng tôi chừng chục tuổi. Cầm ly rượu trên tay, khề khà anh hỏi: Còn nhớ cây trâm nhà mình không; hái ăn xong gói một bịch mang về cho đám gái, trâm chín trái tím tròn ăn rồi môi miệng cứ xanh um, về Mương Bàu cởi luôn cả quần áo, nhảy ùm rộn rã một khúc mương mát lạnh nơi làng Lại Yên. Bỗng nhiên bạn trầm lại, xe ngựa giờ cũng phôi pha, lá đệm một thời cũng vào dĩ vãng, xóm lò ngày trước giờ cũng nguội lửa. Già đời về lại quê hương, có mấy cái mất, còn, nhưng vẫn thấy ấm lòng. Bôn ba gần cả đời người mà hồn cứ vẩn vơ hoài nơi chôn nhau cắt rốn. Rồi anh xúc động: Cáo chết còn quay đầu về núi, đất quê mình ai nỡ bỏ cố hương.

 Nguyễn Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bên nay bờ sông Cái