Tượng Phật trên núi Tà Cú. |
Vào năm 1962, công trình tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn được khởi công do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì (trước đó khoảng năm 1960 Hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Thọ đã phác thảo pho tượng Thích Ca lộ thiên phía sau lưng chùa). Sau 4 năm thi công pho tượng khổng lồ dài 49m, cao 11m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, đầu gối lên tay, toàn bộ pho tượng được phủ một màu vôi trắng mới hoàn thành và phía sau lưng pho tượng có cánh cửa nhỏ đủ một người lớn có thể lách mình chui vào bên trong. Cánh cửa này được lấp lại từ bao giờ không ai biết. Chính cánh cửa sau lưng pho tượng đã đồn thổi nhiều thông tin thất thiệt. Những người tham gia xây dựng pho tượng Phật nằm núi Tà Cú kể lại rằng, qua 4 năm xây dựng họ đã tham gia vác đá từ dưới chân núi Tà Cú lên độ cao 650m để xây dựng công trình tượng Phật. Hàng năm người làm công quả đã lao động vất vả để xây dựng công trình; tất cả vật liệu, xi măng, sắt thép đều được vận chuyển thủ công lên núi chứ không hề sử dụng máy bay trực thăng trợ giúp. Đặc biệt là những người thợ xây với đôi bàn tay khéo léo tạo dựng khuôn mặt tượng Phật nằm trên núi Tà Cú quá sắc sảo và từ bi...
Giờ đây, tượng Phật nằm của chùa núi Tà Cú (chùa do sư tổ Hữu Đức khai lập năm 1870 và được vua Tự Đức thứ 13 sắc phong danh hiệu chùa là “Linh Sơn Trường Thọ”. Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên núi Tà Cú được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là pho tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận quần thể danh lam thắng cảnh núi Tà Cú là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Ngày nay du khách đến núi Tà Cú không chỉ là tín ngưỡng mà còn là điểm đến tham quan, du lịch, tìm hiểu và chiêm ngưỡng pho tượng Phật nằm độc đáo - một công trình mỹ thuật đồ sộ ở Bình Thuận.
Nhật Bảo