Một góc biển La Gi. Ảnh: Lê Thanh |
Thuở ấy, tôi, cậu học trò nghèo trung học, mỗi chiều thứ bảy thường theo chị ra bãi biển này. Chị tên Phan Thị T.B. Chiều với biển, chị và tôi đi bắt còng gió, đuổi chang chang. Dưới tàn dương mát rượi, hai chị em chụm đầu nhúm lửa nướng còng. Chị hơn tôi hai tuổi, tôi mười tám, chị đôi mươi. Quê chị tận Bến Tre, theo gia đình về Bình Tuy (nay là thị xã La Gi) sinh sống vào những năm đầu thập niên 70. Mắt chị to tròn, đen lóng lánh, tóc để dài, da ngăm ngăm, chị có vẻ đẹp buồn hoang dã. Lớn tuổi hơn nhưng hai chị em cùng học chung khối. Tôi học 11B, chị học 11A .
Năm l975, chiều tháng 4, tôi và chị đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ ra Đồi Dương, con đường sỏi đá gập gềnh, thỉnh thoảng những chiếc xe chở đầy lính vụt qua để lại lớp bụi đỏ mù. Tiếng pháo biển xé chiều nghe rát mặt. Biển Đồi Dương hôm ấy vắng hoe. Không gian như chùng lại. Hai chị em lê từng bước nặng nề trên bãi vắng. Chị kể cho tôi nghe về quê hương chị, về những rặng dừa bạt ngàn xanh trĩu quả. Rồi chị lại nói về chim hải âu, chị bảo đời chị chắc cũng giống như loài chim này, một loài chim sống cô độc và chết mõi mòn giữa biển.
Chiều đọng vàng trên sóng, sóng mài mòn bờ cát, cát in hình đôi dấu chân non. Buồn như lời ru.
Ngày 23/4/1975, Bình Tuy được giải phóng, những ngày đầu trường lớp tạm thời đóng cửa, bạn bè lưu lạc tứ phương. Chị và tôi bơ vơ gặp nhau trong căn nhà vắng lạnh, chị nấu cơm, tôi thái mướp... Ôi, bữa ăn đạm bạc theo tôi suốt cả cuộc đời. Chia tay tôi tặng chị cuốn Hải Âu phi xứ, cuốn truyện nổi tiếng của Quỳnh Giao lúc bấy giờ, chút gì đó lãng mạn pha màu tiểu thuyết của tuổi học trò mới lớn.
Tôi đâu biết đó là lần gặp cuối cùng!
Những năm tháng sau này, trên con đường cũ, ngang qua ngôi nhà chị ngày xưa, nhìn màu nắng chiều in trên bờ tường rêu phủ, tôi mường tượng hình bóng chị với tà áo dài trắng bay bay, với mái tóc đen huyền xỏa tung trong gió và đôi mắt buồn hoang dã. Tôi lại nghe trên mắt mình cay cay mằn mặn.
Thời gian bằng nửa đời người chớp mắt đã qua. Trở lại biển xưa, chiều mênh mông nỗi nhớ. Hải Âu ơi! Giờ chị phương nào?
VĂN TUẤN