Ngủ đêm không treo mùng tại lán trại trong rừng xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình. |
Nguyên nhân
Đa số người mắc sốt rét là những người làm rẫy, khai thác lâm sản, bảo vệ rừng và ngủ lại qua đêm tại chòi rẫy. Theo bác sĩ CK1 Lý Đức Trung (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Bình), huyện này có số người mắc sốt rét đa số là nam giới và trên 15 tuổi. Tại huyện, năm 2018 không triển khai được biện pháp phun hóa chất và tẩm mùng phòng chống sốt rét cho người dân.
TS Chế Ngọc Thạch (Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận) cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là những người ngủ lại qua đêm trên rừng, rẫy mà không treo mùng. Sau một ngày làm việc nặng nhọc, tối về họ lai rai và ngủ. Lý do được đưa ra là ngủ trong mùng nóng. Thời gian ở rừng dài ngày, xa khu dân cư và khi bị sốt thì đến khám muộn. Điều này dễ dẫn đến sốt rét nặng. Đợt điều tra côn trùng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận vừa qua tại xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình cho thấy, số người từ tỉnh Lâm Đồng đến chặt tre rất nhiều. Họ không được giám sát ca bệnh vì người của tỉnh khác. Đây là nguồn lây tiềm ẩn vì người Bình Thuận cũng chung lán trại với họ.
Tại Hàm Thuận Bắc, đa số người mắc sốt rét do đi qua địa phương khác khai thác lâm sản, về lại địa phương thì phát bệnh. «Họ không báo cáo với trạm y tế vì sợ phát hiện mình đã làm «lâm tặc». Đến khi bệnh quá rõ mới đến khai báo”, bác sĩ Tống Phương Hiền (Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc) thông tin.
Biện pháp phòng chống
Hiện nay, phun tồn lưu và tẩm mùng với hóa chất diệt muỗi là các biện pháp chính để phòng chống đường lây truyền sốt rét ở Việt Nam. Hai biện pháp này có hiệu quả cao trong phòng chống sốt rét cho những người sinh sống cố định ở khu vực dân cư (thôn, bản..). Ngược lại, để phòng chống đường lây truyền sốt rét cho những người thường xuyên hoạt động và ngủ trong rừng, rẫy thì cả hai biện pháp phun tồn lưu và tẩm mùng đều rất khó thực hiện. Nhà ở trong rẫy thường làm tạm bợ, sơ sài, vách có nhiều khe hở... nên tác dụng tồn lưu của hóa chất phun trên vách thấp. Mùng tẩm hóa chất theo phương pháp truyền thống cũng ít hiệu quả, vì mùng bị dơ nhanh, thường xuyên phải giặt, tác dụng diệt tồn lưu của hóa chất trên mùng thấp.
Bẫy bắt muỗi điều tra côn trùng trên rừng. |
Các nghiên cứu cho thấy, tại khu vực nhà rẫy, muỗi có tập tính chích người và trú đậu ngoài nhà nên hiệu quả phun tồn lưu hóa chất thấp. Các loài muỗi ở đây chích người từ chập tối, lúc người dân còn sinh hoạt ngoài trời và chưa buông mùng đi ngủ, nên mùng tẩm hóa chất kém phát huy tác dụng.
Để khắc phục các hạn chế trên, việc nghiên cứu sử dụng mùng tẩm hóa chất tồn lưu lâu. Đồng thời, kết hợp với biện pháp sử dụng kem xua muỗi bảo vệ cho những người đi rừng, làm rẫy và ngủ qua đêm trong rừng, rẫy là rất cần thiết.
Năm 2019, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã cấp 4.000 tuýp kem xua muỗi Mentholatum Remos, có hiệu lực xua muỗi trong 10 giờ cho đối tượng đi rừng, ngủ rẫy ở lại qua đêm tại rừng, rẫy tại các xã trọng điểm sốt rét tỉnh Bình Thuận.
Bác sĩ CK1 Trần Thiện Nghĩa (Phó Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận) khuyến cáo: «Khi bị bệnh sốt rét phải điều trị đủ liều, đúng phác đồ, tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Nếu điều trị không đủ liều bệnh sẽ tái phát, tùy từng loại ký sinh trùng mà 2 năm sau vẫn có thể bị tái phát, mặc dù không ở hoặc đi vào vùng sốt rét lưu hành».
Khi du lịch, thăm viếng, công tác... đến ở lại vùng sốt rét lưu hành, hãy phòng chống và bảo vệ bản thân để không bị mắc sốt rét. Khi về nhà, nếu có sốt hãy đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Bệnh sốt rét chưa có vắcxin phòng bệnh, tuy nhiên bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu và phòng ngừa hiệu quả cao.
Ngành y tế cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, giám sát, cung cấp thuốc cho người dân tự điều trị khi ở dài ngày trong rừng; quản lý ca bệnh chặt chẽ, phát hiện nhanh và điều trị dứt điểm để cắt nguồn lây cho cộng đồng.
NGUYỄN HỒNG THẠNH