Ông Lê Văn Hồng (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh về công tác phòng chống dịch Covid-19. |
Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại tỉnh?
Ông Lê Văn Hồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh (tính đến 10 giờ ngày 1/4) không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm Covid-19, tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 tại tỉnh là 9 (Hàm Thuận Bắc 2; TP. Phan Thiết 7). Các trường hợp này đang được quản lý, điều trị và cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Có 7 trường hợp xét nghiệm âm tính lần 2; sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 3, các bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở y tế khác (dự kiến Trung tâm Điều trị Covid-19 tỉnh trực thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng Bình Thuận) để tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Hiện tại sức khỏe 9 trường hợp này bình thường. Đến nay, ghi nhận có 352 trường hợp tiếp xúc gần (F1); 1.651 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2); 13 trường hợp đang được giám sát, theo dõi, cách ly tại bệnh viện và khu cách ly tập trung tỉnh. Qua 21 ngày không có ca mắc mới (từ ngày 12/3 - 1/4) và các trường hợp tiếp xúc F1, F2 được xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Các trường hợp này đang được quản lý cách ly chặt chẽ, do đó khả năng lây lan trong cộng đồng được hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường số người mắc hiện nay tăng từng ngày; đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận là một trong 15 tỉnh, thành còn dịch Covid-19 và vẫn còn phát sinh khách nước ngoài đến du lịch (khách đi tự túc, di chuyển đến Bình Thuận trên phương tiện xe khách và tự tìm chỗ ở tại các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn có quy mô nhỏ). Mặt khác, cũng đang có hiện tượng người dân từ các địa phương có dịch Covid-19 đến Bình Thuận với mục đích thăm người thân hoặc du lịch. Do đó, tỉnh ta đang phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm nên phải triển khai tốt việc giám sát, quản lý cắt đứt nguồn nhiễm lớn và kiểm soát khoanh vùng ổ dịch tại tỉnh.
Việc Sở Y tế gửi hàng loạt các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm đi xét nghiệm mỗi ngày có ý nghĩa như thế nào đối với công tác kiểm soát dịch bệnh?
Ông Lê Văn Hồng: Hiện nay, việc phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện trên nguyên tắc là giám sát tốt, phát hiện sớm để thực hiện kịp thời việc cách ly, khoanh vùng, dập dịch tại chỗ. Do đó, việc xét nghiệm mỗi ngày cho các trường hợp nghi ngờ là một việc làm rất cần thiết, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ngay từ ban đầu. Nhờ thực hiện nguyên tắc trên mà trong thời gian qua tỉnh ta đã kịp thời xử lý các trường hợp nhiễm bệnh cũng như các trường hợp nghi ngờ. Các trường hợp này đều được theo dõi điều trị, quản lý cách ly chặt chẽ theo quy định, vì thế khả năng lây lan trong cộng đồng được hạn chế.
Số mẫu xét nghiệm đã lấy đến thời điểm hiện tại là 1.014 mẫu (chưa tính 150 mẫu lấy xét nghiệm lần 2 do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện để nghiên cứu), trong đó 9 mẫu dương tính; 948 mẫu âm tính; 37 mẫu xét nghiệm theo dõi trong quá trình điều trị; 20 mẫu đang chờ kết quả. Sở Y tế đang chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế khẩn trương rà soát, tiếp tục lấy mẫu những trường hợp nghi ngờ để sàng lọc.
Trong cao điểm phòng chống dịch như hiện nay, ngành y tế Bình Thuận đã nỗ lực triển khai các giải pháp nào để chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19?
Ông Lê Văn Hồng: Công tác phòng chống dịch Covid-19 đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với toàn đất nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, trong đó ngành y tế của tỉnh là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính, rất vinh dự và cũng rất khó khăn, gian khổ; giai đoạn này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa, sự quyết tâm hơn nữa, sự quyết liệt hơn nữa mới có thể khống chế dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Ban Chỉ đạo tỉnh, ngành y tế tỉnh huy động toàn bộ lực lượng trong ngành tích cực tham gia cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”. Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát. Song song, khẩn trương chủ động điều tra dịch tễ, cùng với địa phương bám sát địa bàn “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm; phát hiện các trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần; điều tra dịch tễ các trường hợp nhiễm, trường hợp nghi ngờ; tiến hành giám sát, khoanh vùng gọn và dập dịch kịp thời. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, công an, quân sự trong việc cách ly các trường hợp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và điều trị bệnh nhân theo các hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến của Bộ Y tế. Luôn nêu cao cảnh giác đối với các trường hợp nghi ngờ, thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)