Theo dõi trên

Bình Thuận: Điện gió đón “luồng gió mới”

11/11/2016, 08:27

BT- Nếu tính đúng, tính đủ các chi phí về môi trường như xử lý xỉ than sau khi đốt, mưa axit, hay chi phí xử lý môi trường từ cảng nhập khẩu đến nhà máy... chắc chắn suất đầu tư của các dự án nhiệt điện đắt hơn các dự án năng lượng sạch như điện gió.

                
 Tuy Phong là nơi có lượng gió tốt cho    phát triển điện gió. Ảnh: Đình Hòa

 Sự dịch chuyển

Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa yêu cầu tất cả các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN trên toàn quốc hàng tháng mở cửa một lần mời chính quyền địa phương, người dân vào tham quan, tìm hiểu và giám sát quy trình vận hành của nhà máy chẳng làm nguôi nỗi lo ô nhiễm môi trường của người dân ở xung quanh nhà máy như vùng Vĩnh Tân. Động thái này được cho là giúp minh bạch các hoạt động trong các nhà máy nhiệt điện than, cũng là một phần hưởng ứng  chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường  bảo vệ môi trường trong ngành ban hành cuối tháng 10/2016. Kèm theo chỉ thị này là danh sách những nhà máy, dự án được coi là có nguy cơ ô nhiễm môi trường, trong đó tại tỉnh có 3 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân gồm: Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Trong bối cảnh này, các chuyên gia đã phân tích rõ hơn về những điều chỉnh mới đây của Chính phủ trong Quy hoạch điện VII hiện hành theo hướng giảm tỷ lệ thích hợp các nhà máy nhiệt điện than, tăng tỷ lệ các dự án năng lượng tái tạo, cụ thể như điện mặt trời, điện gió.

Nhiều người thắc mắc, biết nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường, vì sử dụng nguyên liệu than để đốt, tạo ra tro xỉ, bụi than… sao vẫn xây dựng, trong khi điện gió, nguồn năng sạch lại chưa tập trung phát triển? Với Tuy Phong, nơi có lượng gió tốt cho phát triển điện gió nhưng nơi đây cũng đã xây dựng một trung tâm nhiệt điện thuộc loại lớn của cả nước thì người dân càng thắc mắc hơn. Thực sự, điện gió ở Bình Thuận từng sôi động, nhất là vùng Tuy Phong đã có một số dự án tạo ra điện, hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng do giá bán thấp hơn giá thành nên không thu hút các nhà đầu tư điện gió khác nhiệt tình phát triển. Trong khi đó, nhu cầu điện ở các tỉnh phía Nam luôn căng thẳng, nên sự xuất hiện của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cùng một số nhà máy nhiệt điện ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long là để đảm bảo an ninh năng lượng. Và đến thời điểm này, khi những hệ lụy về môi trường do nhiệt điện mang lại đã rõ, đặc biệt là hưởng ứng các công ước quốc tế về cắt giảm khí thải… việc khuyến khích phát triển năng lượng sạch là việc phải làm. Điều đáng mừng, bây giờ đầu tư nhiệt điện đã đắt hơn nhiều so với đầu tư điện gió.

Năng lượng sạch tự lên ngôi

Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, hiện suất đầu tư bình quân 1 MW nhiệt điện dao động từ 1,8 - 2,2 triệu đô la Mỹ, trong khi  suất đầu tư điện gió từ 1,8 - 2,5 triệu đô la/MW tùy theo vị trí ở đất liền hay ngoài khơi; còn về giá thành sản xuất nhiệt điện sử dụng công nghệ giảm ô nhiễm ở 7,5 - 9,2 xu Mỹ/kWh (với giá than nhập khẩu là 60 - 100 đô la Mỹ/tấn), còn giá thành điện gió là 7,8 xu Mỹ/kWh. Đó là chưa kể đến giá thành sản xuất nhiệt điện than chưa tính đúng, tính đủ các chi phí về môi trường như xử lý xỉ than sau khi đốt, mưa axit, hay chi phí xử lý môi trường từ cảng nhập khẩu đến nhà máy... Nếu tính đủ, chắc chắn suất đầu tư của các dự án nhiệt điện đắt hơn các dự án năng lượng sạch. Như vậy, nhìn trên tất cả các mặt, xu hướng đầu tư năng lượng sạch như điện gió sẽ gặp nhiều thuận lợi và trở ngại hiện tại là giá bán không lời cũng đang được các chuyên gia đề xuất Chính phủ có hướng mở.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận được phê duyệt phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 2.500 MW; chiếm hơn 40% tổng công suất điện gió của cả nước. Nhưng đến nay, theo báo cáo của Sở Công Thương, Bình Thuận đã thu hút được 16 dự án điện gió, tổng công suất dự kiến 1.230 MW, trong đó có 5 dự án được UBND cấp giấy chứng nhận đầu tư và đã có 3 dự án triển khai xây dựng,  hoạt động. Hy vọng với luồng gió mới này, điện gió ở Bình Thuận sẽ góp phần lớn trong việc hình thành trung tâm năng lượng quốc gia tại tỉnh mà vẫn bảo đảm môi trường.

    
         Bình Thuận đã thu hút được 16 dự án điện gió, tổng công suất dự   kiến 1.230 MW, trong đó có 5 dự án được UBND cấp giấy chứng nhận đầu tư   và đã có 3 dự án triển khai xây dựng, hoạt động.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Điện gió đón “luồng gió mới”