Một đêm thơ Nguyên tiêu được tổ chức tại Bình Thuận. |
Qua 13 lần tổ chức (kể từ năm 2003), Ngày Thơ Việt Nam đã thể hiện được sự tôn vinh thi ca, sức sáng tạo của các nhà thơ và và tinh thần yêu thơ của công chúng. Tùy mỗi lần được tổ chức với nội dung, hình thức và những địa phương khác nhau, nhưng đều có một điểm chung nhất đó là sự tôn vinh thơ; các tiết mục ngâm thơ, đọc thơ, trình bày ca khúc phổ thơ hay sự giao lưu, trao đổi giữa các tác giả và người yêu thơ…diễn ra thật ấm áp giữa tiết xuân tươi.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận, năm nay việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam được đưa về cơ sở với 4 Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện, thị xã đó là Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh và Bắc Bình, đây là điều cần thiết để làm phong phú thêm các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các địa phương và đưa thơ ca gần gũi với đời sống nhân dân hơn.
Năm nay, huyện Bắc Bình là địa phương tổ chức sớm nhất, vào ngày 20/2, tức 13 tháng giêng. Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện đã phối hợp với Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai thực hiện chương trình giới thiệu tác phẩm thơ, nhạc và giao lưu giữa các tác giả địa phương với các thầy cô giáo, học sinh và người yêu thơ tại Trường ở thị trấn Lương Sơn.
Theo ông Huỳnh Văn Vinh - Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ huyện Bắc Bình, địa phương có phong trào sáng tác thơ ca khá đều tay với các tác giả như Đoàn Vũ, Bùi Nguyên Hư, Tấn Mỹ, Hoàng Cẩn v.v…qua đó đưa đến công chúng yêu thơ những tác phẩm mới, hay về vùng đất, con người quê hương cũng như về cuộc sống, tình yêu. Cùng với đó, Câu lạc bộ Văn học của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng có một số cây bút là giáo viên và học sinh, cho nên Ngày thơ là dịp để giới thiệu, trao đổi các sáng tác của các tác giả với mọi người.
Còn tại huyện Tánh Linh, Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện phối hợp với xã Nghị Đức tổ chức đêm thơ tại đây với sự tham gia của các hội viên thuộc Chi hội, Câu lạc bộ thơ người cao tuổi của xã, người yêu thơ và nhân dân địa phương. Ông Nam Hưng - Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ Tánh Linh cho biết, ở huyện có phong trào sáng tác thơ ca khá mạnh và đều khắp như ở các xã Nghị Đức, Suối Kiết, Bắc Ruộng, thị trấn Lạc Tánh…do đó việc đưa Ngày thơ về tổ chức ở cơ sở góp phần giới thiệu và nhân rộng nét văn hóa này với đông đảo người dân. Rằm tháng giêng năm Ất Mùi - 2015, một chương trình thơ cũng đã được tổ chức tại xã Bắc Ruộng, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương.
Với huyện Hàm Tân, năm nay lần thứ hai Ngày thơ được tổ chức với sự phối hợp của Chi hội Văn nghệ, Phòng Văn hóa Thông tin và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, diễn ra vào tối 22/02, tức Rằm tháng giêng. Với chủ đề “Gặp lại Hàm Tân”, chương trình sẽ được tổ chức với các nội dung triển lãm thơ, trình diễn ngâm thơ, trình bày ca khúc phổ thơ, giao lưu với các tác giả nữ đang sinh sống, công tác tại địa phương. Theo ông Huỳnh Ngọc Nghĩa - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin kiêm Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ huyện Hàm Tân, các công tác chuẩn bị cho đêm thơ tại đây đã hoàn tất. Qua lần tổ chức năm 2015 cho thấy tình cảm yêu mến của công chúng với thơ ca tại địa phương và năm nay hy vọng cũng sẽ đón nhận được những tình cảm quý mến như thế. Còn tại thị xã La Gi, nhà thơ Phan Chính - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ cho biết, địa phương sẽ tổ chức Ngày thơ Việt Nam muộn hơn các nơi khác, vào khoảng cuối tháng giêng. Hình thức năm nay cũng sẽ khác hơn đó là không trình diễn, giới thiệu tác giả, tác phẩm mà sẽ tổ chức tọa đàm về thơ với sự tham gia của hội viên và khách mời.
Thơ ca, một loại hình văn học gần gũi với mọi người đã có từ hàng ngàn năm qua. Dù là những sáng tác dân gian hay được viết nên bởi một tác giả nào đó với nội dung hay và có tính nghệ thuật đều được đón nhận một cách nhiệt thành. Thơ không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà góp phần lớn lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.
THIÊN THANH