Theo dõi trên

Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng xanh

25/09/2024, 08:10

Với lợi thế của Bình Thuận về điều kiện tự nhiên đầy nắng và gió đã thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ về năng lượng sạch nhằm hiện thực hóa định hướng Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh của quốc gia.

Kỳ tích từ nắng và gió

Lợi thế của Bình Thuận để phát triển năng lượng sạch đó là có số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn các tỉnh khác, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao giúp Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời. Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

dsc_2713.jpg
Điện gió. Ảnh: Đ.Hòa

Hiện tại, tỉnh Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động, phát điện với tổng công suất khoảng 1.409,71 MW, gồm 9 nhà máy điện gió với công suất 299,6 MW, 26 nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 1.110,11 MW. Các nhà máy này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký khảo sát, lập dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án với tổng công suất 25.200 MW được các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất, trong đó dự án Thăng Long Wind có công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát. Với điều kiện và lợi thế trên, Bình Thuận được xác định là một trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng. Vùng đất Bình Thuận đầy gió và nắng là sự khác biệt so với các địa phương khác, đây chính là nguồn lực hấp dẫn mạnh nhất đối với các nhà đầu tư trong xu thế kinh tế hiện nay.

Điện khí cũng là tiềm năng của Bình Thuận

Ngoài các tiềm năng để phát triển điện gió và điện năng lượng, với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người, Bình Thuận cũng có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực năng lượng xanh. AES là nhà đầu tư của Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào năng lượng tương lai của Việt Nam đang được đầu tư. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng ước khối lượng khí sẽ đủ năng lực cung cấp năng lượng cho 15 triệu gia đình. Việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm và đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đặc biệt là Bình Thuận còn có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án điện khí hydro xanh.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã có buổi làm việc với Công ty Hydrogen de France (HDF Energy). Công ty HDF Energy đã trình bày về công nghệ, giải pháp và khả năng phát triển các dự án điện khí hydro xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Công ty HDF Energy là nhà phát triển, đầu tư, sản xuất điện độc lập đến từ Pháp, tập trung vào sản xuất khí hydro để phát điện với lượng phát thải các bon bằng 0, độ ổn định và hoạt động 24/7. Một trong những giải pháp chính của công ty là Renewstable kết hợp nhà máy điện mặt trời, điện gió với việc lưu trữ hydro và phát điện thông qua Pin nhiên liệu. Hoạt động kinh doanh của công ty này bao gồm các giải pháp Hypower sử dụng khí hydro có sẵn tại các nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất để phát điện thông qua Pin nhiên liệu. Hiện nay, Công ty HDF Energy là nhà đầu tư triển khai dự án điện hydro xanh thương mại đầu tiên trên thế giới thông qua giải pháp Renewstable tại đảo Guiana, Pháp và ở Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã xây dựng Nhà máy sản xuất Pin nhiên liệu lớn nhất thế giới tại Bordeaux, Pháp với công suất lên tới 1,5 MW/đơn nguyên, nhà máy này đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2024. Để phát triển các dự án điện khí hydro xanh tại Việt Nam, trong thời gian qua Công ty HDF Energy đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện nghiên cứu đánh giá và xác định các địa điểm tiềm năng để phát triển dự án tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Thuận với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Lãnh đạo Công ty HDF Energy mong muốn được thực hiện các dự án điện khí hydro xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trước mắt là tại huyện Phú Quý và huyện Tuy Phong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho rằng, việc phát triển các dự án điện khí hydro xanh hiện nay là phù hợp với định hướng phát triển ngành điện của nước ta và của tỉnh Bình Thuận, mục tiêu là dần thay thế việc sản xuất điện từ nguồn nguyên liệu hóa thạch sang sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Trước mắt các sở, ngành có liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ cho Công ty HDF Energy hoàn thành các thủ tục để thực hiện thí điểm dự án điện khí hydro xanh tại huyện Phú Quý.  

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Đức tấn công trấn áp mạnh tội phạm ma túy
Cùng với tuần tra vũ trang khép kín địa bàn, Công an xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) luôn chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ), để phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quản lý, đặc biệt là với tội phạm ma túy, hình sự.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng xanh