Trong đó 3 điểm cầu chính được đặt tại Hà Nội (Việt Nam), New Delhi (Ấn Độ) và Islamabad (Pakistan), thu hút sự tham gia của hơn 60 đại diện đến từ những địa phương trồng thanh long cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc 3 quốc gia.
Riêng tại Bình Thuận, sự kiện này cũng thu hút 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia thông qua nền tảng Zoom.
Tham dự hội nghị này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan, sở chức năng tỉnh Bình Thuận (vựa thanh long lớn của Việt Nam) cùng các chuyên gia hỗ trợ nhập khẩu đã giới thiệu tiềm năng xuất khẩu quả thanh long, sản phẩm từ thanh long Việt Nam.
Bên cạnh đó còn nhận định về nhu cầu lẫn xu hướng tiêu thụ thanh long, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp xúc tiến xuất khẩu thanh long vào hai thị trường tiềm năng là Ấn Độ và Pakistan.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Biện Tấn Tài - Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng sự kiện được tổ chức thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Cục Xúc tiến thương mại, Đại sứ quán Việt Nam cũng nhưThương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan đối với tỉnh Bình Thuận.
Qua đó hỗ trợ, góp phần tạo điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu thanh long và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trước bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19...
Được biết trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng còn có cơ hội giao thương trực tuyến với các nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối thanh long của Ấn Độ và Pakistan.
Q.TÍN