Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Cùng với đó là tuyên truyền, phổ biến cũng như nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong toàn xã hội. Tổ chức “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” còn là dịp tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước lẫn hội nhập quốc tế…
Cuối tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ký quyết định thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, còn gọi Ban Tổ chức 248 (theo số quyết định). Cuộc vận động sau đó được xúc tiến ở 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thuộc các vùng Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, miền Trung và Tây nguyên, miền Tây Nam bộ. Và đến tháng 10/2019 vừa qua, 8 địa phương còn lại thuộc khu vực miền Đông Nam bộ (trong đó có Bình Thuận) đã tổ chức hội nghị triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248 đã gửi gắm thông điệp: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, là linh hồn của thương hiệu và đó chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp… Trưởng Ban Tổ chức 248 cho rằng TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, môi trường kinh doanh đặc biệt năng động. Do vậy, lựa chọn thành phố mang tên Bác là nơi tổ chức hội nghị cuối cùng cho các khu vực trong cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp… Để thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả, đại diện 8 tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đến nay trên địa bàn Bình Thuận có gần 6.900 doanh nghiệp thành lập với tổng vốn đăng ký khoảng 101.250 tỷ đồng, trong số đó đã có 3.930 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật, nêu cao đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội luôn được các hội, hiệp hội ngành nghề quan tâm tuyên truyền, vận động đến hội viên. Với vai trò cùng vị trí của mình, hiện cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Thuận dần khẳng định là lực lượng chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế...
Quốc Tín