Theo dõi trên

Bình Thuận tổ chức Lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng

23/04/2018, 11:03

BT- Với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công dựng nước và giữ nước. Năm nay lần đầu tiên tỉnh ta long trọng tổ chức lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Đền thờ Hùng Vương tại Phan Rí Cửa sẵn sàng cho ngày lễ hội. Ảnh: Đình Hòa

Nâng tầm lễ hội

Từ lâu người dân Phan Rí Cửa cùng một vài xã lân cận huyện Tuy Phong tổ chức lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng hàng năm tại Đền thờ Hùng Vương theo cách thức riêng và coi đó là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Tuy vậy, các lễ hội trước đó chỉ mang tính chất riêng lẻ theo tập tục của người dân nơi đây; cách thức biểu hiện của lễ hội chưa phù hợp với tập tục và tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Tuy Phong tổ chức, nghiên cứu, phục dựng lễ hội tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa cho xứng tầm với lễ hội chung của tỉnh. Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh phê duyệt tổ chức lễ hội, sau khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, đơn vị, nhà nghiên cứu để hoàn chỉnh công tác tổ chức lễ hội đảm bảo có cơ sở khoa học, lịch sử và đúng tiến độ đề ra trong ngày 10/3 âm lịch (tức 25/4 dương lịch). Về phần lễ phục dựng toàn diện cả về nội dung, hình thức, thời gian, không gian, diễn trình, lễ vật và cách thức thực hiện từng nghi lễ trong lễ hội; đảm bảo được nét trang nghiêm, thành kính phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và phong tục tập quán của địa phương. Trong phần hội, chú trọng khôi phục và tổ chức các trò chơi, trò diễn, hội thi phù hợp, hấp dẫn có sức thu hút nhiều người tham gia, tạo không khí phấn khởi, vui tươi đoàn kết.

Rước kiệu nghinh Tiền hiền và lễ vật

Theo cách tổ chức cũ trước đây thì trình tự, cách thức bố trí đoàn rước, lễ vật, số người và trang phục của những người tham gia rước kiệu nghinh Tiền hiền của các cơ sở, di tích tín ngưỡng ở Phan Rí Cửa về Đền thờ Hùng Vương dự lễ giỗ Tổ còn mang tính tự phát, chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Qua trao đổi, tọa đàm, lấy ý kiến của các đơn vị chức năng, cơ sở tín ngưỡng đã đi đến thống nhất: tổng số người tham gia trong đoàn rước kiệu nghinh Tiền hiền của mỗi di tích, cơ sở tín ngưỡng về Đền thờ Hùng Vương khoảng 70 – 80 người. Đối với lễ vật, từ năm 2018 trở đi, Ban quản lý Đền thờ Hùng Vương thống nhất sẽ khôi phục lại tập tục gói bánh chưng, bánh dày tại đền trước ngày lễ giỗ Tổ diễn ra. Đây là việc làm có nhiều ý nghĩa, vừa gìn giữ, tuyên truyền tập tục tốt đẹp, kỹ năng làm bánh chưng, bánh dày cho thế hệ trẻ, vừa thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ đến công lao các vua Hùng trong ngày giỗ Tổ. Bánh chưng phải gói bằng lá dong (hoặc lá chuối), không dùng dây nhựa để buộc như lâu nay mà phải dùng dây lạt (tre) nhuộm màu hồng. Bánh dày không bọc lá mà để trần, bên trên mỗi chiếc bánh dày có dán chữ “Phúc” màu đỏ. Lễ vật dâng cúng các vua Hùng trong giỗ Tổ gồm: Bánh dày 18 chiếc, bánh chưng 18 chiếc, hương, hoa, nước, trầu, cau và ngũ quả. Ngoài ra có thể dâng thêm các phẩm vật tùy theo tập tục của mỗi nơi như xôi, gạo, muối, gà luộc, thịt heo. Với các di tích, cơ sở tín ngưỡng tổ chức đoàn rước kiệu nghinh Tiền hiền về Đền thờ Hùng Vương trong ngày giỗ Tổ, ngoài 4 mâm bánh chưng, bánh dày do 4 thiếu nữ bưng và các lễ vật bài trí trên kiệu nghinh (rượu, mâm ngũ quả, hương, đèn, bánh ít) thì tùy điều kiện có thể bố trí thêm cộ lễ vật bài trí bánh chưng, bánh dày, bánh ít, trái cây; không bố trí cộ lễ vật bài trí các loại bánh ngọt, mì tôm bọc trong giấy bóng như trước vì thiếu sự tôn nghiêm.

 Trang phục

Về trang phục, căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì chủ lễ (đại diện Thường trực Tỉnh ủy) mặc màu hồng tía; 3 vị lãnh đạo còn lại (HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh): nam mặc áo dài khăn đóng màu xanh; nữ mặc áo dài truyền thống, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể tỉnh, huyện: nam mặc comple màu sẫm, nữ mặc áo dài truyền thống; đại biểu lực lượng vũ trang, công an nhân dân mặc trang phục lễ. Với lãnh đạo, cán bộ, công chức, người dân Phan Rí Cửa, trang phục quần tây áo sơmi dài tay đối với nam; trang phục áo dài truyền thống đối với nữ; riêng đại biểu dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Và Ban nghi lễ Đền thờ Hùng Vương khi thực hiện các nghi lễ cúng tế phải mặc trang phục lễ hội  truyền thống theo tập tục như lâu nay.

Có thể nói các công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được huyện Tuy Phong, thị trấn Phan Rí Cửa chuẩn bị khá tươm tất từ cổ động trực quan đến các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, giao thông, y tế, môi trường. Tất cả cho sự thành công của lễ hội lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh nhằm ghi nhớ công lao của các vua Hùng đã có công dựng nước.        

    
  

  Chương   trình dâng lễ vật và hương hoa tưởng niệm các vua Hùng

  

  + Văn nghệ   chào mừng: các bài ca, điệu múa ca ngợi công ơn các vua Hùng

  

  + Chào cờ   (Quốc ca, mặc niệm); Diễn văn của UBND huyện

  

  + Lãnh đạo   tỉnh (chủ lễ) đọc Chúc văn; đánh trống khai hội (đánh 3 hồi 9 tiếng)

    + Tiếp   theo 18 nam thanh niên và 18 thiếu nữ trong trang phục truyền thống đi   theo hai hàng bưng 18 chiếc bánh chưng và 18 chiếc bánh dày từ sân lễ   vào trong đền thờ, tiếp là chủ lễ và các vị lãnh đạo tỉnh, huyện vào   trong đền thờ chuẩn bị dâng lễ vật, tiếp theo là các đoàn của tỉnh,   huyện và nhân dân…

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận tổ chức Lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng