Liên quan vấn đề này, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và đạt được kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, xử lý hơn 3.600 vụ cờ bạc, hơn 300 vụ mại dâm, hơn 10.000 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 4.800 vụ mua bán trái phép chất ma túy, trên 1.800 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy...). Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, mại dâm, ma túy... nhất là trên không gian mạng dự báo diễn ra phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau. Để chủ động nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ Công an cho rằng, ngoài các giải pháp của ngành công an cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của mỗi người dân, nhất là trong công tác phòng ngừa.
Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong bảo đảm ANTT, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các phương tiện truyền thông tin và tại cộng đồng, trên các trang mạng xã hội (đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, mại dâm, ma túy, cách thức nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị pha trộn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm. Phối hợp trong đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Lực lượng công an cũng chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm, có tiền án, tiền sự, có nguy cơ cao phạm tội, vi phạm pháp luật. Đồng thời, thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, mại dâm, ma túy.
Đối với ý kiến của cử tri cho rằng: “Trong một số loại thực phẩm, trái cây vẫn có một lượng cồn tự nhiên nhất định, khi chúng ta ăn vào dù không uống rượu bia, thức uống có cồn thì trong cơ thể vẫn tồn tại một lượng cồn nội sinh nhất định. Do đó, đề nghị xem xét lại ngưỡng quy định về nồng độ cồn cho hợp lý với văn hóa, thể trạng, sức khỏe để người dân không bị phạt oan theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ hoặc có quy định về kiểm tra hành vi của người tham gia giao thông tại thời điểm rà soát nồng độ cồn để xác định mức độ vi phạm”. Về nội dung này, Bộ Công an cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Trong đó có quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và giao Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an sẽ phối hợp Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nghiên cứu để có quy định về vấn đề trên.