Ông Đỗ Quốc Bảo – Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa – TP. Phan Thiết
Tôi nghĩ trước khi Nghị quyết 112 có hiệu lực, ngành chức năng phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu rồi mới áp dụng việc quản lý dân cư bằng mã số định danh. Hiện nay ở phường, xã có khoảng 40 thủ tục cần sổ hộ khẩu liên quan đến công tác hộ tịch như: khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận con nuôi, xác nhận tình trạng hôn nhân… Riêng phường Đức Nghĩa hiện có hơn 10.000 khẩu, nếu cập nhật cơ sở dữ liệu phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn chỉnh. Chưa tính đến việc máy móc thiết bị, tập huấn người sử dụng phần mềm, ai là người được quyền truy cập và việc quản lý mã số định danh đó như thế nào để đảm bảo tính bảo mật… Do đó, nếu việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND có hiệu lực ngay từ bây giờ thì công tác quản lý vô cùng khó khăn. Cơ quan chức năng không thể biết người dân đó ở đâu để xác nhận giấy tờ. Chưa kể sẽ xảy ra tình trạng một người có thể kết hôn 2, 3 lần ở nhiều địa phương khác nhau mà không ai hay biết. Xét về mặt ưu điểm của chủ trương này, thì việc quản lý dân cư bằng mã số định danh sẽ giúp người dân giảm rất nhiều các thủ tục hành chính rườm rà, cơ quan quản lý cũng giảm áp lực và tiết kiệm được thời gian để xác minh một vấn đề nào đó.
Đặng Thúy Viên – Viên chức nhà nước
Chủ trương đổi mới quản lý nhân khẩu, dân cư bằng mã số định danh sẽ trút được “gánh nặng” cho người dân mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính, thuận tiện hơn trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự, học hành, tìm kiếm việc làm... Người dân đến giao dịch, chỉ cần cung cấp mã số định danh, căn cước công dân, cơ quan nhà nước tra cứu là có đầy đủ thông tin. Có thể thấy, do rào cản hộ khẩu mà rất nhiều người bị hạn chế khi đi tìm việc làm, mua bán nhà đất, xin nhập học cho con em tại địa phương mà họ không đăng ký thường trú. Do đó, chủ trương này giải tỏa được rất nhiều vấn đề, hệ thống cơ quan trong bộ máy hành chính quốc gia đỡ cồng kềnh, giảm áp lực phần nào trong việc quản lý dân cư, nguồn nhân lực được bố trí các công việc có ích hơn và công tác cải cách hành chính thực sự sẽ có một bước tiến dài. Quan trọng hơn cả là những tiêu cực, nhũng nhiễu liên quan đến sổ hộ khẩu sẽ không còn tồn tại.
Đại tá Tạ Văn Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tỉnh
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Về phía tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu, trình UBND tỉnh các kế hoạch thành lập ban chỉ đạo và công tác triển khai. Sau khi UBND tỉnh đồng ý, Công an tỉnh sẽ tổ chức họp triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Viettel khảo sát xong cơ sở hạ tầng toàn tỉnh để kiểm tra đường truyền chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Dự kiến ngày 1/1/2020, hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ hoàn tất, lúc đó việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu sẽ chính thức được áp dụng. Khi đã có mã số định danh, người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại, các thủ tục hành chính sẽ đơn giản hóa, gọn nhẹ. Nhờ đó, công tác quản lý xã hội sẽ chuyển sang một bước tiến mới, khoa học hơn, ít gây phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, các sở, ngành có thể khai thác các thông tin để quản lý trên nhiều mặt như: dân số, đất đai, y tế, giáo dục... một cách chính xác nhất; đồng thời có thể đánh giá tình hình phát triển kinh tế vùng dễ dàng, thuận tiện. Và mục đích cuối cùng của chủ trương này là hướng đến một Chính phủ điện tử “vì dân phục vụ”. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 112, cũng dự báo nhiều khó khăn nếu không được triển khai đồng bộ về con người, cơ sở hạ tầng vì kinh phí phục vụ dự án này rất lớn. Ngoài ra, hiện nay việc kê khai thông tin của người dân về ngày, tháng, năm sinh chưa thật sự đồng bộ. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc để cơ sở dữ liệu, mã số định danh hoạt động chính xác, phát huy hiệu quả.
Minh Vân (ghi)