Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Thời gian vừa qua, Ban quản lý RPH Sông Lũy, Bắc Bình đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 04 NQ/TU của Tỉnh ủy cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Phan Sơn, Phan Tiến. Cụ thể năm 2019, đơn vị đã hợp đồng giao khoán cho 175 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Phan Sơn, với diện tích 6.858,38 ha rừng, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp lâm nghiệp và nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Bình quân mỗi hộ được nhận khoán bảo vệ 40 ha rừng/năm, với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/năm. Đơn vị đã thực hiện nghiệm thu chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng theo từng quý là 2 triệu đồng/hộ, với điều kiện diện tích được giao quản lý không bị phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ngoài ra, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng còn được hỗ trợ thêm từ nguồn kinh phí theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ, với mức tối đa là 30 ha rừng/hộ/năm, tương đương 6 triệu đồng/hộ/năm. Tổng cộng mức thu nhập của mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng 14 triệu đồng/năm.
Để nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của các hộ dân, hàng quý Ban quản lý RPH Sông Lũy đã cử viên chức của Phòng Kỹ thuật - Bảo vệ rừng phối hợp với lực lượng của trạm bảo vệ rừng tổ chức kiểm tra nghiệm thu, đánh giá kết quả bảo vệ rừng của các hộ nhận khoán theo diện tích hợp đồng bảo vệ. Qua kiểm tra đánh giá, xác định mức độ hoàn thành theo tỷ lệ %, nếu hộ nào để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích nhận khoán thì tùy theo mức độ bị phá rừng để trừ kinh phí chi trả tiền nhận khoán. Trong biên bản nghiệm thu có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của các hộ bị phá rừng và thống nhất tỷ lệ phần trăm bị trừ (có xác nhận của chính quyền địa phương). Căn cứ biên bản nghiệm thu được thống nhất giữa đơn vị với từng hộ nhận khoán bảo vệ rừng, có xác nhận của chính quyền địa phương, đơn vị lập hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước tỉnh thanh toán tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định. Riêng số tiền của các hộ dân bị trừ vẫn còn trong dự toán tại Kho bạcnhà nước tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các hộ bị trừ tiền nhận khoán bảo vệ rừng do để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp theo biên bản nghiệm thu, với mức độ bị trừ từ 5 - 15%. Có 15 trường hợp bị đơn vị tiến hành thanh lý hợp đồng, do không có nhu cầu nhận khoán bảo vệ rừng hoặc cố tình không tham gia bảo vệ để phá rừng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khánh HuyỀn