Theo dõi trên

Cái sai của dạy thêm ở sự biến tướng

24/10/2017, 09:06

BT- Vào đầu năm học, chuyện dạy thêm học thêm lại bắt đầu nóng trên các diễn đàn. Mới đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã có yêu cầu “dù dạy một học sinh giáo viên cũng phải thực hiện việc xin cấp phép theo đúng quy định của bộ”.

                
Ảnh minh họa

Sau quy định ấy, nhiều giáo viên đặt vấn đề: “Lấy nghề nuôi nghề có gì sai? Dạy thêm học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh, vì sao phải cấm? Sao nhà quản lý không tìm cách loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”? Nếu chưa giải quyết được bài toán lương giáo viên, xin đừng lên án nhà giáo dạy thêm vì không ai có quyền!” Quan điểm trên lập tức nhận được nhiều phản hồi trái chiều của độc giả. Người ủng hộ việc dạy thêm thì cho rằng: “Bên cạnh số ít giáo viên dùng việc dạy thêm để “trục lợi”, phần lớn các giáo viên còn lại dạy thêm vì học sinh có nhu cầu, vì tình cảm, trách nhiệm với học trò. Có người khẳng định: “Nhu cầu học thêm phải nói thực sự là rất cần. Các em yếu kém cần được phụ đạo ngoài giờ từ thầy cô để bù đắp kiến thức nhằm theo kịp các bạn trong lớp. Các em khá, giỏi thì cũng cần nâng cao kiến thức theo nhu cầu học tập. Thầy cô dạy thêm để giúp trò và cũng để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình mới bám trụ nổi với nghề. Tại sao không cấm bác sĩ khám ngoài giờ mà lại cấm giáo viên dạy ngoài giờ?”

Trong thực tế, có không ít giáo viên dù không dạy trường đó, hoặc không dạy chính học sinh đó ở trường nhưng vẫn được các em tìm đến xin học một cách thiết tha. Không ít các bậc phụ huynh đi xin học thêm cho con phải đi từ tờ mờ sáng ngồi trước căn nhà giáo viên để chờ gặp bằng được chính những thầy cô ấy xin cho con một suất học thêm. Có giáo viên từ chối nhưng phụ huynh cứ liên tục đến nhà hằng ngày. Trong tình cảnh này, dạy thêm cũng bị coi là vi phạm sao?

Học thêm tự nguyện và học “tự nguyện” trong thế bắt buộc cũng khó phân định rạch ròi. Nhiều người cho rằng cần mạnh dạn lên án những thầy cô dùng uy lực để bắt ép học trò đi học thêm. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ bằng chứng xác thực để làm việc này. Nhiều giáo viên được học trò mệnh danh là “cao thủ” trong việc trị học sinh không đi học thêm môn mình, dù biết cũng chẳng dễ gì tố cáo được. Một học sinh lớp 9 kể lại rằng, cô chủ nhiệm dạy toán nhưng em và nhiều bạn lại đi học thêm nơi khác. Vào tiết dạy, bao giờ cô cũng dành những câu hỏi khó để mời những học sinh này trả lời. Kiểm tra bài cũ, cô luôn khắt khe và chẳng bao giờ gợi ý hay nhắc nhở dù một điều nhỏ nhất. Tiết kiểm tra một tiết có đề chẵn, đề lẻ cô cũng cố tình phát cho đề khó hơn… Rồi trong làm bài, trong khi học, bạn nào trong số đó mắc sai sót, cô không nhẹ nhàng bỏ qua như những bạn đi học thêm mà nói đủ điều  như “tôi tưởng anh chị giỏi quá rồi”, hay “đừng tưởng mình học như thế là đủ…”.

Muốn chấm dứt tình trạng ép học sinh học thêm tràn lan không ai có thể làm tốt hơn chính là các bậc phụ huynh. Đừng vì lý do sợ con bị trù dập mà thỏa hiệp để những thầy cô sống cơ hội đạt được mục đích. Bằng cách này, cách khác, phụ huynh hãy thu thập chứng cứ về sự trù dập hay đối xử không công bằng của giáo viên với các học sinh không đi học thêm. Cần có những hình thức kỷ luật thích đáng để làm gương cho nhiều giáo viên khác. Có thế mới trả lại được ý nghĩa tốt đẹp của việc dạy thêm và những thầy cô chân chính mới sống được bằng chính nghề của mình.

    
  

   “Thật ra   việc dạy thêm không xấu khi nhu cầu là từ cả hai phía, xấu là khi trò   không có nhu cầu học thêm thì giáo viên làm đủ mọi cách từ khó chịu bằng   ngôn từ, đến vẻ mặt... và chèn ép đủ kiểu để trò phải học thêm”. 

    Một phụ   huynh ở La Gi

 Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái sai của dạy thêm ở sự biến tướng