Theo dõi trên

Cải thiện chỉ số PaPi, Par Index: Cần giải pháp đột phá

11/06/2018, 09:35

BT- So năm 2016, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PaPi) năm 2017 của tỉnh đều giảm về thứ hạng. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách hành chính, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân – đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ các chương trình cải cách mà chính quyền mang lại.

                
      
Sự ra đời của Trung tâm Hành chính công    được coi là bước đột phá trong công tác CCHC và hiện đại hóa nền    hành chính.

Chỉ số PaPi là công cụ giám sát thực thi chính sách, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Nhìn lại kết quả trong những năm gần đây, có thể khẳng định Bình Thuận vẫn chưa thành công trong việc nâng bậc chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công khi chỉ số này từ vị trí 41 năm 2015, tụt xuống vị trí 46 năm 2016 và xếp thứ 54/63 tỉnh, thành năm 2017, thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất.

Năm 2017, trong 6 chỉ số nội dung được khảo sát, đánh giá có 4/6 chỉ số giảm thứ hạng gồm: tham gia của người dân ở cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công và cung cấp dịch vụ công. Riêng về chỉ số công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lại có những cải thiện đáng kể về điểm số so năm trước. Song mức độ cải thiện còn chậm, việc công khai minh bạch trong bình xét danh sách hộ nghèo, các khoản thu, chi ngân sách cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất đền bù chưa được chính quyền cơ sở thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân biết thực hiện và giám sát. Một bộ phận người dân cho rằng việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thực hiện chưa kiên quyết, vẫn còn tình trạng lót tay, bồi dưỡng thêm cho công chức viên chức trong giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC).

Đối với chỉ số Par Index, năm 2017 Bình Thuận đạt 78,94/100 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành, tăng 3,19 điểm và giảm 10 bậc so năm 2016, thuộc nhóm 2 (nhóm có chỉ số từ 70% - 80%). Đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC, Bình Thuận xếp thứ 17/63 tỉnh, thành. Trong đó sự ra đời của Trung tâm Hành chính công đã góp phần quan trọng, nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách TTHC của tỉnh. Những nỗ lực đẩy mạnh CCHC góp phần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước (tăng 6,8% so với năm 2016), thúc đẩy sự khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp, tổng thu ngân sách năm 2017 đạt 119,7% theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Tuy nhiên, qua khảo sát lấy ý kiến cán bộ, công chức đánh giá CCHC, Bình Thuận chỉ đạt 15,37/22,5 điểm, chỉ số thành phần 68,31% thấp hơn chỉ số trung vị của cả nước. Khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức về giải quyết TTHC, đạt 10,53/12 điểm, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành. Qua kết quả khảo sát, mức độ hài lòng chung của tổ chức, cá nhân về sự phục vụ hành chính đạt 70,23%. Một số ý kiến đánh giá việc biết thông tin về dịch vụ cung cấp TTHC qua Internet còn thấp, số lần đi lại để giải quyết TTHC khá cao, tình trạng hồ sơ trễ hẹn nhưng không thông báo cho người dân biết còn phổ biến, chưa thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân các trường hợp hồ sơ trễ hẹn.

Có thể nói, sự hài lòng của người dân là “thước đo” trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi cố gắng CCHC. Điều này không những sẽ làm thay đổi căn bản tính chất của cải cách mà còn xác lập được chế độ trách nhiệm cao hơn đối với các công chức hành chính. Do đó, để nâng cao chỉ số Par Index và PaPi của tỉnh cần xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trước hết là cải cách quy trình thủ tục đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ để người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng, kỹ lưỡng. Đồng thời rà soát, cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, công chức, viên chức cần cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ trong thực thi công vụ, không để xảy tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC, tiếp nhận và giải quyết tốt các ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị…      

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải thiện chỉ số PaPi, Par Index: Cần giải pháp đột phá