Các cán bộ Đoàn khu VI viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, chiều 22/3. Ảnh: Đ.H |
Tự lực, tự cường
Tháng 5/1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu VI trực thuộc Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang địa phương và làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, mở đường hành lang chiến lược Nam Tây nguyên tiếp nhận sự chi viện của Trung ương cho chiến trường Nam bộ. Địa bàn khu VI lúc này bao gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Tuyên Đức, Lâm Đồng.
Khu VI - cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên bước vào cuộc chiến đấu, tuy là nằm trong điều kiện và bối cảnh lịch sử chung nhưng cũng có những cái riêng chi phối. Là chiến trường mà điều kiện để tự lực bị nhiều hạn chế, lại ở xa Trung ương, Trung ương Cục, tự mình phải lo xoay xở nhiều bề để chống địch và thắng địch. Nhưng trải qua 9 năm chống thực dân, tiếp đến gần 21 năm chống đế quốc, cứu nước, khu VI đã tỏ rõ là một miền đất kiên trung của Tổ quốc. Dân và quân khu VI trước sau vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ, luôn luôn sát cánh cùng cả nước, bền bỉ, dũng cảm chiến đấu, tự lực tự cường, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi từng bước cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhiều chông gai, thử thách
Suốt chặng đường lịch sử: Quân khu VI đã trải qua những năm tháng chiến đấu đầy chông gai thử thách, trải qua các bước thăng trầm, nhất là những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, trong bước chuyển từ “đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị”. Tuy vậy, liên tỉnh cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên vẫn giữ được các địa bàn căn cứ, giữ được cái vốn cán bộ nòng cốt, có liên hệ máu thịt với nhân dân; do đó, khi có Nghị quyết Trung ương 15 đã kịp thời nổi dậy tiến công địch, giành lại phong trào. Từ phát động nhân dân các dân tộc đứng lên làm chủ núi rừng, xây dựng căn cứ, đến phát động phong trào khởi nghĩa, giành lại nông thôn đồng bằng. Từ miền Tây các tỉnh đồng bằng Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển lên Lâm Đồng, Tuyên Đức, nối thông với Đắc Lắc - Quảng Đức… hoàn chỉnh địa bàn Nam Tây nguyên, nối liền Bắc Tây nguyên với miền rừng Đông Nam bộ; hình thành đường hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, bảo đảm sự chi viện về người và trang bị của Trung ương vào đến chiến trường Nam bộ.
Quân dân khu VI đã phát huy được tác dụng của một chiến trường ở vùng bản lề, nối liền giữa khu V và Nam bộ, một vùng tiếp cận với vành đai bảo vệ Sài Gòn; từng thời gian đã thực hiện được kìm căng, chia cắt địch, hỗ trợ cho các chiến trường, không để địch biến nơi đây thành hậu phương an toàn, thành bàn đạp đánh phá các nơi. Trong đó, nổi bật là từ năm 1965 - 1967, quân dân khu VI đã đánh phá giao thông mạnh mẽ, cắt đứt hầu hết những con đường bộ từ Sài Gòn đi miền Trung và Tây nguyên, gây cho địch nhiều khó khăn trong cơ động lực lượng và vận chuyển chiến lược, buộc địch phải duy trì thường xuyên tại đây một bộ phận quân chủ lực ngụy, một bộ phận quân Mỹ và chư hầu.
Với tinh thần bất khuất, dũng cảm, đội ngũ cán bộ Đoàn khu VI luôn là lực lượng tiên phong trên mọi nhiệm vụ, từ trực tiếp chiến đấu đến tham gia công tác xây dựng hậu phương và làm nòng cốt tập hợp mọi tầng lớp thanh niên, tham gia các hoạt động cách mạng trong và ngoài vùng tạm chiếm, đột phá vào những công việc khó khăn gian khổ và nguy hiểm để góp phần cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có biết bao thanh niên, người con ưu tú của quê hương khu VI yêu thương không ngại khó khăn gian khổ, xung phong hăng hái lên đường tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Bổ sung lớp cán bộ được tôi luyện
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử chuyển sang một trang mới, phong trào thanh niên 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, chuyển nhiệm vụ từ phục vụ, tham gia chiến đấu, sang tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhiều đồng chí đã ngã xuống trong giai đoạn sau này và nhiều cán bộ, đoàn thanh niên khu VI khác trở về cuộc sống đời thường với một phần thân thể không lành lặn. Đặc biệt, lực lượng cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên khu VI đã được tôi rèn trong chiến tranh và gian khổ đã bổ sung một nguồn cán bộ dồi dào tâm huyết, bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, mặt trận đoàn thể nhân dân các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, chính quyền 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, tuổi trẻ 3 tỉnh đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống của cán bộ, phong trào thanh niên khu VI. Tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên đã không ngừng lớn mạnh và vững bước đi lên, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung. Qua các phong trào hành động cách mạng, đã và đang khắc họa hình ảnh thế hệ thanh niên thời kỳ mới biết phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, của các thế hệ cha anh, luôn trung thành tuyệt đối và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Các thế hệ thanh niên 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng đã nối tiếp nhau viết nên những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”; ra sức học tập, rèn luyện, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, công nghệ hiện đại của nhân loại để trở thành một lớp người mới có tri thức, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu mạnh.
Tháng 2/1976 khu VI giải thể và thành lập tỉnh Thuận Lâm (Thuận Lâm gồm tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận), đến tháng 4/1976 thôi Thuận Lâm và thành lập 2 tỉnh Lâm Đồng và Thuận Hải (Thuận Hải gồm Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy), đồng thời tháng 2/1976 tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên khu VI cũng giải thể. Để tiếp tục hun đúc và giữ lửa phong trào Đoàn thanh niên khu VI, năm 1992, 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng quyết định thành lập Ban liên lạc cán bộ Đoàn khu VI do đồng chí Huỳnh Thanh Phương, nguyên Bí thư Đoàn khu VI làm trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên khu VI. Năm 2009, đồng chí Huỳnh Thanh Phương bệnh mất và đồng chí Mãn Tấn Dũng - nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Thuận Hải đảm nhận Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên khu VI đến nay. |
Như Nguyễn