Theo dõi trên

Cần có giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục

01/06/2023, 05:19

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 sáng 31/5; đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ trăn trở về chính sách giáo dục chưa phát huy hiệu quả và vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cơ bản tán thành với nội dung báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023. Riêng những tháng đầu năm 2023, đại biểu cho rằng thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được bảo đảm…

310520230837-z4391224036696_f13acbf31aa8313615238ed832dc601c-2.jpeg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu sáng nay 31/5.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng kinh tế quý I thấp, chỉ đạt 3,32% so cùng kỳ 2022 thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao; rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài những tồn tại nêu trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đã nêu lên 2 vấn đề luôn trăn trở và suy nghĩ. Liên quan đến chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đưa ra rất đúng về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa xã hội. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Thể hiện rất rõ qua Giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 55 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các địa phương đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất chưa đáp ứng để phục vụ nhu cầu dạy và học; trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu thốn. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tại địa phương còn đối mặt với trình trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp từ mầm non đến THPT, tập trung nhiều nhất là giáo viên bộ môn tin học, tiếng Anh, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Do vậy, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Xung quanh vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, số trẻ em bị xâm hại vẫn không giảm, ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Trước thực trạng trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em...

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công tác lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục