Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện có rất nhiều ưu việt, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến đầu tháng 7/2018, toàn tỉnh chỉ có 498 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 43,97% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2018. Đa số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu; số người tham gia BHXH tự nguyện mới còn hạn chế, hằng năm phát triển rất chậm.
Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa sâu rộng, thiếu đồng bộ nên phần lớn người lao động và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách BHXH tự nguyện cũng như quy trình, thủ tục đăng ký khi tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, với địa bàn Bình Thuận rộng, đối tượng thuộc diện khai thác tham gia BHXH tự nguyện hầu hết ở nông thôn, vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế gia đình còn thấp, đời sống người dân nhiều khó khăn nên không đủ điều kiện để tham gia. Hơn nữa, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, ngành ở địa phương với cơ quan BHXH có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, hoạt động tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú nên kết quả chưa đạt như mong muốn.
Thực hiện theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015, từ ngày 1/1/2018 tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Trường hợp người lao động thuộc diện nghèo mức hỗ trợ 30% và người lao động thuộc diện cận nghèo mức hỗ trợ 25%. Với quy định này hy vọng thời gian tới sẽ giúp nhiều người có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Ngày 26/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; trong đó có giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhằm tiến tới BHXH cho mọi người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước vào đầu năm 2018, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn cụ thể như: Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; định kỳ cần sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để đề ra các giải pháp tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngoài sự cố gắng của ngành BHXH tỉnh, cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và chủ động tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm có nhiều ưu việt, giúp những người lao động không có quan hệ lao động, người dân khu vực nông thôn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp... khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già. |
Phương Danh