Theo dõi trên

Cản lửa ở đèo Cùi chỏ

16/05/2016, 08:47

BT- Nơi đây, đèo cao, nhiều đá và cua gấp như cùi chỏ tay nên nguy hiểm nhất trên tuyến QL55. Các phương tiện giao thông qua đèo, dễ bị tai nạn và cũng dễ gây cháy rừng.

                              
Chốt nhỏ che bạt đơn sơ nằm chênh vênh trên    sườn núi.
   
Canh giữ khu rừng “đèo Cùi chỏ”.

“Bay” trên rừng “đèo Cùi chỏ”

Vừa thức dậy anh Hải nhận được cuộc điện thoại của Mang Ka - người nhận khoán ở tiểu khu 376b báo tin: “Cách chốt khoảng 10 cây số đang cháy thảm thực vật ven QL55”. Anh Hải, cùng với Ngà, Hùng không kịp ăn sáng vội quơ cây dao cán dài, can nhựa mang theo rồi lên xe máy phóng nhanh về hướng báo cháy. Thực ra chỉ một tàn thuốc lá nhỏ của ai đó bỏ lại trong đêm đã làm cháy bụi cây khô ven đường. Cả ba người loay hoay dập tắt lửa, phát quang cây bụi xung quanh để bảo đảm an toàn, rồi trở về chốt chuẩn bị cho kế hoạch tuần tra tiểu khu cách chốt hơn 12km đường rừng. Cũng cây dao, can nhựa và mang theo cả đồ ăn, thức uống như thường ngày, theo đường mòn các anh vào kiểm tra tận khu rừng hiểm trở nhất ở rừng Sông Dinh. Khi cả nhóm trở về mặt trời đã gần xuống núi. Anh Hải mới ngã lưng xuống võng đung đưa xả hơi chưa được hai phút thì có chuông điện thoại làm anh giật mình vì sợ có tin báo cháy. Nhưng không, gương mặt người chốt trưởng tươi hẳn sau khi đọc tin nhắn của bà xã từ Phan Thiết…

Đã hơn 16 giờ chiều, nhưng nắng vẫn gay gắt như muốn thiêu cháy cái chốt nhỏ che bạt đơn sơ nằm chênh vênh trên sườn đèo Cùi chỏ gần tuyến QL 55. Kể từ khi QL 55 thông tuyến, lãnh đạo Công ty THHH MTV Lâm Nghiệp Sông Dinh (Công ty Lâm nghiệp Sông Dinh) cử ba người đứng tuổi, có kinh nghiệm đến chốt đèo Cùi chỏ giữ rừng. Ở đây xung quanh là núi cao, rừng rậm, xa khu dân cư hàng chục cây số nên việc ăn nghỉ, sinh hoạt rất dã chiến.

Lâu ngày mới có khách ghé thăm nên các anh chuyện trò rôm rả, cứ như tôi đang mang hơi hướng của phố thị về đây. Hào hứng nhất là chốt trưởng Nguyễn Văn Hải, có lẽ vì anh có gia đình ở Thanh Hải - TP. Phan Thiết. Anh có dáng người to cao, nước da rắn chắc, hơi ngăm, khuôn mặt có vẻ già hơn cái tuổi 48. Có hơn 20 năm lăn lộn với nghề giữ rừng, thoạt đầu anh giữ rừng ở Lâm trường Quân đội, sau đó chuyển sang Lâm trường Sông Dinh bao lần đối mặt với “lâm tặc”. Còn bây giờ anh đang giữ vùng rừng không lo bị lâm tặc nhưng lại lo “hỏa tặc”. Anh Hải giải thích: “Rừng Sông Dinh bây giờ không còn cây to như rừng núi Ông, rừng Tà Cú mà chủ yếu là rừng khộp, rừng tái sinh đủ các loại cây: lim, căm xe, gỗ tạp, dây leo, bụi rậm… nên không sợ phá mà sợ nhất là cháy. Đêm cũng như ngày, khi có tin báo cháy là cả nhóm lên đường ngay. Lúc nào cũng lo rừng cháy không già mới lạ!”. 

Ngừng hớp ngụm trà đậm mới pha rồi anh Hải nói tiếp: Nhờ tích cực phòng chống  mà rừng ở đây nhiều năm không hề xảy ra cháy. Chốt đèo Cùi chỏ này quản lý, bảo vệ gần 3.000ha rừng gồm các tiểu khu 376a, 376b, 388; địa hình rừng ở đây phức tạp vô cùng, vì có hơn 17 cây số tuyến QL55 chạy băng qua khu rừng, chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc lái xe bỏ tàn thuốc ven đường có thể gây cháy rừng...”. Để giải thích thêm về tên gọi đèo Cùi chỏ, anh Ngà chen vào: “Đây là đèo cao, nhiều đá và cua gấp như cùi chỏ tay nên nguy hiểm nhất trên tuyến QL55. Các phương tiện giao thông qua đèo, dễ bị tai nạn và cũng dễ gây cháy. Mà rừng ở đây đã cháy thì lây lan rất nhanh”. Với diện tích lớn như vậy làm sao các anh kiểm soát nổi? Anh Hải cười rồi trả lời câu hỏi của tôi một cách chắc nịch: “Cả ba người có “bay” trên rừng cũng không kiểm soát được, nhưng chúng tôi có cách, đó là nhờ vào tai mắt của bà con nhận khoán. Hàng ngày họ tuần tra rừng nếu có dấu hiệu phá rừng hoặc cháy rừng là họ báo ngay”.

Qua cách nói của anh em ở chốt, tôi nhớ lại lần đi khảo sát khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Bình Tuy. Khi dừng ở vị trí đèo Cùi chỏ này, anh Hai Trí, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tánh Linh chia sẻ: “Trong chiến tranh, khu rừng từ Sông Phan đến  vùng đèo Cùi chỏ là căn cứ cách mạng vững chắc. Tại khu vực này địa hình núi cao hiểm trở, mùa mưa nước từ trên cao đổ xuống như thác, còn mùa khô thì cái nóng hừng hực rát da từ núi đá tỏa ra. Bây giờ tuyến QL55 đã xẻ núi vắt qua cánh rừng lịch sử này nên giao thông thuận tiện, nhưng cũng là nỗi lo từng ngày về nguy cơ cháy rừng, phá rừng nếu không canh giữ tốt…”.

 Từng ngày trong lo lắng

Câu chuyện của chúng tôi càng về chiều càng hào hứng. Anh Hải chỉ lên mảnh giấy treo ở vách rồi giới thiệu với tôi lịch trình hàng ngày của chốt: Sáng 7 giờ 30, cả tổ lên đường tuần tra. Những ngày vào khu rừng sâu thì mất trọn cả ngày. Trên vai mỗi người chỉ có cơm nắm, cây dao và can nhựa để lấy nước chữa cháy khi gặp “bà hỏa” giữa rừng sâu; đồng thời, dùng dao phát, chặt ranh, cành khô, dây leo đề phòng cháy lan. Mặt khác, thường xuyên nhắc nhở đồng bào tăng cường tuần tra bảo vệ rừng nhận khoán, nhất là khu rừng “đèo Cùi chỏ” có tuyến QL 55 đi qua trong những ngày nắng nóng rất dễ xảy ra cháy.

Chuyện trò với chúng tôi đã quá lâu, trời nhá nhem tối, nhưng chưa thấy các anh nổi lửa. Một lát sau, anh Hùng chủ động dẫn tôi vào bếp giới thiệu: Cả ngày anh em vào rừng, nhất là thời điểm này nguy cơ cháy rừng báo động cực kỳ nguy hiểm nên thời gian vào rừng nhiều hơn ở chốt. Chiều tối trở về mỗi người một việc, người thì nấu cơm, người đi lấy nước. Bữa cơm chiều thường ngày chỉ ăn với cá khô hoặc lâu lâu có thêm món rau rừng làm canh; còn nước sinh hoạt thì rất thiếu phải ra tận rừng Sông Phan cách 6 cây số để chở nước về. Mùa này thiếu nước nên anh em phải “tiết kiệm tắm”. Tối đến cả chốt dùng một bóng đèn sạc bình để thắp sáng vài giờ đồng hồ xem báo, nghe đài phát thanh cho đỡ buồn, sáng hôm sau lại tiếp tục vào rừng…

Tâm sự với các anh giữ rừng ở chốt đèo Cùi chỏ, tôi càng hiểu hơn cuộc sống những người giữ rừng. Anh Hùng, nhà ở Lạc Tánh, cách chốt gần 20 cây số, nhưng ít khi được ở bên gia đình. Hay anh Ngà ở huyện Hàm Thuận Nam cũng lâu mới về tham gia đình một lần. Xa nhất là “chốt trưởng Hải” có lúc hơn tháng trời anh mới có dịp về Phan Thiết thăm vợ và hai con nhỏ… Đang nói chuyện thì điện thoại anh Hải có chuông báo  tin nhắn. Anh Hải lật đật mở xem sợ có tin báo cháy rừng nhưng anh thở phào. Tin nhắn của con gái anh hỏi thăm sức khỏe của ba. Trên đường về, nghĩ cảnh sống dã chiến giữa rừng ấy, tôi bỗng nghĩ chính những tin nhắn của người thân phần nào động viên các anh làm tốt hơn công việc giữ rừng của mình.                       

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số: Động lực phát triển mới cho 3 trụ cột kinh tế Bình Thuận”
BTO-Đây là nội dung hội thảo diễn ra vào chiều 25/4 tại TP. Phan Thiết do UBND tỉnh Bình Thuận và Đại học quốc gia (ĐHQG) Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cản lửa ở đèo Cùi chỏ