Quy trình an toàn lao động trên công trường thi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được tuân thủ khá chặt chẽ. |
Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng lao động đã ngày càng quan tâm hơn đến công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các phương án phòng ngừa tai nạn lao động như: lập kế hoạch sản xuất kinh doanh kèm theo kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; đầu tư kinh phí để thay thế công nghệ mới, thay đổi, sửa chữa máy móc cũ kỹ lạc hậu, che chắn vùng nguy hiểm của máy móc, thiết bị; đầu tư kinh phí để xử lý bụi, chất thải bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động; tổ chức khám bệnh nghề nghiệp… được nhiều doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Tại một số doanh nghiệp đã thành lập và duy trì Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tăng cường công tác thực tập phòng chống cháy nổ trong đơn vị, xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn khi vận hành máy móc, thiết bị xây dựng và luyện tập phương án phòng cháy chữa cháy phù hợp với điều kiện của đơn vị. Nhiều người phải ngạc nhiên khi thăm công trường thi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 4 bởi mức độ quản lý, giám sát về an toàn lao động ở đây. Theo lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư thì bất kể là ai từ công nhân cho tới lãnh đạo khi đến đây đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn lao động. Đến công trường mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động thì không được vào. Do đó trên các công trường này thường xuyên có hàng ngàn lao động, nhưng không có vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay việc phòng ngừa tai nạn lao động ở tỉnh hầu như chỉ được thực hiện tại các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Còn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ vẫn chưa được quan tâm nhiều. Do vậy, tình hình tai nạn lao động vẫn đang có chiều hướng phức tạp. Nhất là trong ngành khai thác khoáng sản, điện, xây dựng. Theo báo cáo từ 64 doanh nghiệp (con số rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh), thì trong năm 2015 xảy ra 17 vụ tai nạn lao động, làm chết 7 người và bị thương nặng 6 người. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do do vi phạm các quy trình kỹ thuật an toàn. Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình vận hành an toàn cho từng máy, thiết bị, công việc cụ thể. Hay đối với những máy móc, dây chuyền sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không được kiểm định, người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Không ít doanh nghiệp do tiết kiệm chi phí nên chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến an toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa bố trí người phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, công tác y tế của cơ sở; không đo đạc môi trường lao động, không khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Mặt khác, đa số người lao động hiện nay chưa có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động trong việc thực hiện nội quy, quy trình làm việc an toàn trong sản xuất. Nhiều khi phương tiện bảo vệ cá nhân có trang bị nhưng do thói quen nên không sử dụng, một số lao động mặc dù được huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động, được hướng dẫn cách thức làm việc, vận hành máy móc, thiết bị an toàn, được nhắc nhở, giám sát thường xuyên nhưng khi làm việc vẫn làm bừa, làm ẩu, kỷ luật kém, bỏ bớt các giai đoạn, bước công việc trong quy trình thao tác chạy theo tiến độ thi công hay sản lượng.
Do đó, để hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra, trước hết cần có giải pháp để nâng cao ý thức của người sử dụng lao động cũng như người lao động. Đồng thời cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động.
Đình Nhượng