Theo dõi trên

Cần sớm xây dựng kè chống xâm thực tại Phan Thiết

20/06/2018, 09:22

BT- Việc đầu tư xây dựng công trình kè chống biển xâm thực khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) là dự án bức xúc cần đầu tư sớm. Mục đích chống xói lở bờ biển, chấm dứt tình trạng xâm thực của biển vào đất liền, ổn định đời sống của nhân dân…

                
Biển xâm thực gây thiệt hại nhà cửa tại xã    Tiến Thành, TP. Phan Thiết

Điểm nóng sạt lở biển

TP. Phan Thiết có chiều dài bờ biển 57,40 km, trong đó một số khu vực thường xuyên sạt lở là phường Đức Long, phường Hàm Tiến, xã Tiến Thành, phường Hưng Long, phường Thanh Hải, phường Phú Hài và phường Mũi Né, với tổng chiều dài sạt lở bờ biển trên 16 km. Riêng tại khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành là địa điểm dân cư ven biển, người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Tại đây, hàng trăm căn nhà tiếp giáp trực tiếp với bờ biển nên cuộc sống của người dân không ổn định và thường xuyên bị uy hiếp do triều cường và sạt lở đất. Những năm gần đây, biển xâm thực sâu vào đất liền với cường độ ngày càng mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sóng to, triều cường và các đợt áp thấp nhiệt đới. Từ năm 2010 đến nay tại khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành liên tiếp xảy ra các đợt sóng to, gió lớn kết hợp với thủy triều dâng cao đã làm sạt lở bờ biển với chiều dài 2.000 m, xói sâu vào đất liền khoảng 50 m đã làm sập hoàn toàn 319 căn nhà cấp 4, bị thương một người và đe dọa đến sự ổn định của 135 căn nhà khác của người dân đang sinh sống tại khu vực này.

Trước tình trạng xâm thực của biển, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khắc khục tình trạng sạt lở bờ biển, đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân như huy động lực lượng, phương tiện Đoàn 681 Hải quân gia cố tại khu vực xung yếu, giúp đỡ các hộ dân đóng cọc cừ và xếp bao cát làm kè tạm chống sạt lở; di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do biển xâm thực đến các vị trí an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp xử lý tạm thời, do vậy không hạn chế được tình trạng biển xâm thực vào đất liền và tiếp tục uy hiếp đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Đơn cử, trong năm 2016 do ảnh hưởng của gió mạnh kết hợp triều cường dâng cao đã gây sạt lở nghiêm trọng. Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 1.500 m, lấn sâu vào bờ khoảng 3 - 10 m làm sập hoàn toàn 92 căn nhà và gây uy hiếp trực tiếp đến 36 hộ dân sống dọc khu vực này. Đặc biệt, ngày 18/10/2017, do ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp triều cường làm sạt lở 8 căn nhà tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành. Trong đó, sập hoàn toàn 1 căn nhà và sạt lở 7 căn nhà… 

Đề nghị thẩm định nguồn vốn

Trước thực trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng, trong những năm qua, cử tri phường Đức Long và xã Tiến Thành đã nhiều lần kiến nghị Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND TP. Phan Thiết xem xét bố trí vốn đầu tư tuyến kè khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành nhưng chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình. Để bảo vệ an toàn tính mạng, nhà cửa của nhân dân và công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành trước sự tác động của tình trạng biển xâm thực kết hợp với triều cường dâng cao, việc đầu tư xây dựng tuyến kè chống biển xâm thực khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành được coi là việc làm rất cần thiết và cấp bách.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống biển xâm thực khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, do HĐND tỉnh Bình Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án và quyết định đầu tư dự án là UBND tỉnh.

Theo đó, chiều dài tuyến kè khoảng 2.000 m, dọc theo bờ biển khu vực phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành nối tiếp với điểm cuối của kè giai đoạn 1 tại Km1+000, gồm 2 giai đoạn: Đoạn khóa bờ, dài 550 m, nối tiếp giáp với kè đã xây dựng giai đoạn 1 tại Km1+000. Đoạn sát bờ, dài 1.450 m: nối tiếp đoạn khóa bờ, bám sát dọc theo mái taluy bờ biển. Kết cấu kè và các hạng mục trên kè làm bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn lắp ghép, cọc bê tông, đá đổ, đá xây, bê tông và bê tông cốt thép đổ tại chỗ…Dự kiến tổng mức đầu tư dự án 170.628 triệu đồng. Nguồn vốn đề nghị thẩm định là vốn Trung ương hỗ trợ từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018. Dự kiến tiến độ thực hiện từ năm 2018 - 2020 theo hình thức đầu tư mới.

    
    Những năm   gần đây, biển xâm thực sâu vào đất liền với cường độ ngày càng mạnh do   ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sóng to, triều cường và các đợt áp thấp   nhiệt đới.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ưu tiên xóa nghèo hộ gia đình chính sách, người có công
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Trong đó, tập trung huy động và bố trí các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn huyện.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sớm xây dựng kè chống xâm thực tại Phan Thiết