Theo Phòng Tài nguyên & Môi trường Phan Thiết, thời gian qua, phòng phối hợp Công an thành phố, chính quyền địa phương kiểm tra, tham mưu UBND thành phố xử lý gần 50 cơ sở; buộc ngừng hoạt động 5 cơ sở gia công cửa sắt, xử phạt hơn 20 điểm gây ô nhiễm, yêu cầu chủ tiệm có biện pháp giảm tiếng ồn, xử lý mùi hôi, che chắn bụi… Tuy nhiên, việc khắc phục của các cơ sở còn chậm, nhất là các tiệm hàn xi, gia công sắt, nhôm, cắt mài đá, sửa chữa ô tô, xe máy… Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Phan Thiết cho hay, để khắc phục hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ hoạt động nêu trên, Phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm gia công nhôm, sắt, cơ khí, sửa chữa ô tô… có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang nằm xen lẫn trong các khu dân cư nội và ngoại thành. Ở nơi nào không đảm bảo về môi trường, tiếng ồn buộc phải khắc phục; nếu không hội đủ điều kiện cần thiết, cơ quan chức năng yêu cầu di dời hoặc ngưng hoạt động. Phòng tiếp tục đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch cấp phép đối với loại hình kinh doanh này trong khu vực nội thành, dân cư tập trung phải thẩm định môi trường; kiến nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư quản lý chặt chẽ hơn cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có dự án đầu tư, hoạt động lĩnh vực nêu trên. Trước mắt, thành phố Phan Thiết đang xúc tiến đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Mũi Né (đã quy hoạch đất, triển khai đền bù giải tỏa), thu hút nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp ở khu vực này vào đây, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường khu vực Mũi Né – Hàm Tiến đã được quy hoạch du lịch cấp quốc gia. UBND thành phố Phan Thiết cũng đã kiến nghị UBND tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp khác để bố trí, di dời các cở sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi nhiều khu dân cư hiện nay. Có như vậy, mới chấm dứt ô nhiễm môi trường trong khu dân cư
Thụy Khanh