Hai ngày sau vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Toronto, làm 2 người thiệt mạng, trong đó có 1 cô bé 10 tuổi và 13 người khác bị thương, người dân Canada vẫn chưa hết bàng hoàng. Danh tính của nghi phạm đã được xác định và cuộc tranh luận về kiểm soát súng tại quốc gia Bắc Mỹ này lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ xả súng. Ảnh: Global News Toronto. |
Ngày 23/7, cảnh sát Canada công bố danh tính nghi phạm trong vụ xả súng tại thành phố Toronto là Faisal Hussain, 29 tuổi. Trong thông báo, cảnh sát Canada cho biết, dù động cơ của nghi phạm vẫn chưa được xác định và các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, song cảnh sát vẫn quyết định công bố danh tính sau khi đánh giá hoàn cảnh thực tế của vụ việc, cũng như mối quan tâm của dư luận.
Trong một phát biểu cùng ngày, Thị trưởng Toronto John Tory cam kết sẽ có câu trả lời thích hợp nhất gửi tới tất cả người dân thành phố. Theo ông, Toronto lại phải chứng kiến thêm một thảm kịch đau lòng trong năm nay, nhằm vào các gia đình vô tội và cũng là nhằm vào toàn bộ thành phố.
Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 14/7 vừa qua, Toronto đã chứng kiến 220 vụ xả súng, cướp đi sinh mạng của 27 người, cao hơn nhiều so với con số 196 vụ và 17 người chết trong cả năm 2017. Những vụ bạo lực liên quan tới súng đạn đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước sự gia tăng của các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn, chủ yếu do các băng nhóm tội phạm, cảnh sát Toronto hồi tuần trước công bố một kế hoạch dự kiến sẽ tăng cường thêm 200 cảnh sát và sẽ được triển khai ngay cả vào ban đêm tại những khu phố nhạy cảm. Theo Thị trưởng John Tory, vụ xả súng tối 22/7 vừa qua đã cho thấy, Toronto, thành phố đông dân thứ 5 tại Bắc Mỹ, đang gặp những vấn đề thực sự về súng đạn.
“Vũ khí đang được sở hữu một cách quá dễ dàng đối với quá nhiều người. Câu hỏi là tại sao một ai đó cần phải mua tới 10 hoặc 20 khẩu súng và có thể sở hữu một cách hợp pháp theo luật hiện hành. Điều này dẫn tới một câu hỏi khác là tại sao bất cứ ai trong thành phố này lại cần phải có một khẩu súng? Và tôi biết ngay cả việc trả lời được câu hỏi này cũng sẽ không thể loại bỏ được hoàn toàn những thảm kịch như thế này. Nhưng ngay cả khi chúng ta có thể ngăn chặn được 1 trong số những vụ việc như thế này, thì theo quan điểm của tôi, đây là một cuộc thảo luận rất cần thiết và phải được tiến hành từ rất sớm”, ông John Tory nhấn mạnh.
Quả thực, câu hỏi “Tại sao bất cứ ai trong thành phố này lại cần phải có một khẩu súng? đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, bao trùm mọi cuộc tranh luận về sở hữu súng đạn hiện nay không chỉ tại riêng Toronto, mà cả đất nước Canada.
Tháng 3 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố dự luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn, trong đó bao gồm các quy định về kiểm tra hồ sơ lý lịch cá nhân có nhu cầu mua súng và quy định đối tượng có thể sở hữu súng. Theo đó, cơ quan chức năng Canada phải xem xét hồ sơ lý lịch “cả đời” của người xin cấp phép sở hữu súng, thay vì chỉ xem xét quá trình 5 năm gần nhất như quy định trước đây.
Trong cuộc cải tổ nội các vừa qua, Thủ tướng Canada cũng đã bổ nhiệm ông Bin Ble làm Bộ trưởng An ninh Biên giới và ngăn chặn tội phạm có tổ chức. Ông Ble từng là Cảnh sát trưởng thành phố Toronto và sẽ đảm nhận trọng trách xử lý cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới, ngăn chặn bạo lực súng đạn và triển khai các biện pháp về hợp pháp hoá cần sa, dự kiến vào trung tuần tháng 10 tới.
Thu Hoài/VOV