Theo dõi trên

Cảng Quốc tế Vĩnh Tân: Kỳ vọng khởi sắc trong năm mới

04/02/2020, 09:59

BT- Cảng Quốc tế Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong thuộc Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân - đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Bình Dương đã chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 4/2019. Nằm trong nhóm cảng biển số 4 (nhóm cảng biển Nam Trung bộ), đây cũng là cảng biển quốc tế đầu tiên cũng như cảng biển thương mại duy nhất của Bình Thuận tính đến thời điểm này.

                
Tàu hàng cập bến tại Cảng Quốc tế Vĩnh Tân.

Được biết hiện Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đang khai thác 2 bến tàu, gồm: Bến tiếp nhận tàu có trọng tải tới 3.000 DWT và bến có thể tiếp nhận tàu trọng tải tới 15.000 DWT. Sau khi đưa vào hoạt động, lần đầu tiên cảng đã đón chuyến tàu nhập khẩu hàng thiết bị cho một số dự án như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Trung tâm Truyền tải điện Ninh Thuận có cả những chủng loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Tiếp đó, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân cũng tiếp nhận thêm 2 chuyến tàu làm hàng Ilmenite xuất khẩu, nâng tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2019 đạt 235.000 tấn với 123 lượt tàu…

Dù vậy, hàng hóa thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân phần lớn được thực hiện bằng tàu cỡ nhỏ có trọng tải chỉ từ 1.000 - 3.000 DWT, chủ yếu là những mặt hàng: Ilmenite, tro bay, xi măng, bột đá, cát xá… Mới đây, đại diện Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân cho biết hiện đơn vị vẫn đang tiến hành nạo vét cảng nhằm đạt độ sâu thiết kế đối với vùng nước trước bến, vũng quay tàu và luồng dẫn… Theo đó, dự kiến cảng này có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 DWT trong quý II/2020 và tiếp nhận được tàu có tải trọng lên đến 50.000 DWT vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch kể từ năm 2020 trở đi, mặt hàng chiến lược của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được xác định là Ilmenite, tro bay, cát và đá xây dựng, xi măng, Alumin, thiết bị dự án, container. Trong đó tiềm năng và quan trọng vẫn là mặt hàng tro bay, cát và đá xây dựng, thiết bị của các dự án sản xuất năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cho khu vực Bình Thuận, Nam Ninh Thuận… Đặc biệt với ngành hàng container, hiện Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đang phối hợp các hãng tàu nội địa cũng như quốc tế, các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận và khách hàng trong lẫn ngoài nước. Qua đó xúc tiến nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát thị trường để hướng đạt mục tiêu có thể sớm triển khai dịch vụ container đến cảng vào năm 2022. Trong đó chủ lực là container hàng khô (đóng các mặt hàng nguyên liệu và thành phẩm ngành may mặc, da giày, đồ gỗ, cao su, hóa chất…), container chứa hàng đông lạnh (phục vụ vận chuyển mặt hàng thanh long - thủy sản của Bình Thuận, nho - táo Ninh Thuận, rau củ quả Đà Lạt…).

Với diện tích bao gồm khu vực bến cảng rộng gần 20 ha và khu vực hậu cảng rộng 49 ha, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân kỳ vọng khởi sắc trong năm 2020  đạt sản lượng hàng hóa ít nhất là 500.000 tấn và sớm đạt 1 triệu tấn trong 1 hoặc 2 năm tiếp theo…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, vừa qua đơn vị chủ quản cũng đề nghị địa phương, các sở ngành liên quan hỗ trợ giải quyết khó khăn về kết nối hạ tầng giao thông (nâng cấp tuyến QL 28B từ QL 1A - QL 20 để đón luồng hàng xuất khẩu của Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng). Đồng thời tích cực kêu gọi lấp đầy và mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng lượng hàng xuất nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Ngoài ra còn khuyến khích Hiệp hội Thanh long Bình Thuận làm đầu mối kết nối 3 nhà (nhà nông - nhà nhập khẩu - nhà cung cấp dịch vụ logistics) để xây dựng trung tâm giao dịch thanh long tại khu vực hậu cảng. Cùng với đó tính đến giải pháp thiết lập cả trạm chiếu xạ, tạo điều kiện tăng cao sản lượng xuất khẩu thanh long chính ngạch sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảng Quốc tế Vĩnh Tân: Kỳ vọng khởi sắc trong năm mới