Theo dõi trên

Cảnh báo nạn mua bán người sang Trung Quốc, Malaysia

16/02/2017, 09:17

BT- Tình trạng mua bán người ra nước ngoài (chủ yếu mua bán phụ nữ sang Trung Quốc, Malaysia) diễn ra khá phức tạp. Một khi đã “xuất ngoại”, nạn nhân sẽ khó có cơ hội trở về Việt Nam, việc xử lý đối tượng liên quan cũng gặp rất nhiều khó khăn…

                
Đối tượng Nguyễn Thị Mai   Chị H đang tố cáo hành vi của bọn buôn người.    Ảnh: CTV

Từ người bị hại trở thành kẻ hại người

Năm 2007, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa đối tượng Vũ Thị Lục (SN 1957), ở thôn Đồng 1, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đền tội với mức án 17 năm tù giam về tội “Mua bán người”. Đây là đối tượng duy nhất ra trước vành móng ngựa về tội danh trên trong 10 năm trở lại đây. Theo hồ sơ, năm 2005, Lục đã trực tiếp tổ chức bán em T.T M.D (SN 1990), ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và em N.T.C (SN 1991), ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong sang Trung Quốc. Đến tháng 8/2006 và tháng 6/2007,  em D và C lần lượt trốn thoát khỏi hai động chứa mại dâm ở Trung Quốc tìm về Việt Nam, sau đó nạn nhân đã tố cáo hành vi buôn bán người của Lục và đồng bọn với cơ quan chức năng.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Thuận và Bình Định còn phối hợp điều tra đường dây đưa phụ nữ bán sang Trung Quốc, qua đó phát hiện Nguyễn Thị Mai (SN 1981), có hộ khẩu tại khu phố 2, phường Phước Lộc là kẻ cầm đầu. Điều đáng nói, Mai từng là nạn nhân của một vụ mua bán người trước đó. Được biết, Nguyễn Thị Mai đã có 3 người con với 3 đời chồng khác nhau. Dù vậy, khi nghe những lời ngon ngọt của kẻ dụ dỗ khiến Mai luôn ảo tưởng về sự sung sướng, giàu sang nếu sống ở nước ngoài. Không lâu sau, Mai bị bán sang Trung Quốc. Năm 2013, Mai tiếp tục lấy chồng và sinh được 1 người con. Bị gia đình chồng đối xử nghiệt ngã, Mai tìm cách trốn thoát. Nhưng khi trốn thoát, do biết được từng đường đi nước bước nên Mai đã tham gia đường dây mua bán người bằng cách dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ khác và đối tượng này nhanh chóng trở thành kẻ cầm đầu trong đường dây đưa phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc bán để thu lãi bất chính. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 12/2016, lực lượng cảnh sát  hình sự đã bắt Mai khi thị đang ẩn mình tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Mai thú nhận đã đưa 17 phụ nữ (trong đó 9 người ở Bình Thuận, 7 ở Bình Định và 1 phụ nữ ở Kiên Giang) bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ. Hiện nay, Nguyễn Thị Mai đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định khởi tố và bắt tạm giam để tiếp tục điều tra.

Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang mở rộng điều tra hành vi mua bán người ở thị xã La Gi. Theo đó, nạn nhân là chị N.T.T.H (SN 1977), ở phường Bình Tân (La Gi); đối tượng liên quan là Lầu Thị Bí (SN 1967), ở thôn Bình An 3, xã Tân Bình (La Gi).  

Bị lừa vì lời “đường mật”

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Mặc dù có dấu hiệu của tội mua bán người và vấn nạn trên có chiều hướng gia tăng, nhưng việc đưa đối tượng phạm pháp ra trước vành móng ngựa không đơn giản. Năm 2016, có 9 đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng về hành vi mua bán người, nhưng thực tế lớn hơn nhiều. Trước Tết Nguyên đán 2017, Bộ Công an đã trao trả nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người về địa phương, trong đó Bình Thuận có 4 phụ nữ (1 người ở Sông Lũy, 3 người ở Hải Ninh, cùng huyện Bắc Bình). Trước đó, tất cả 4 nạn nhân trên đều báo với gia đình là vào TP.HCM để tìm việc làm, nhưng vì nhẹ dạ, cả tin nên nhanh chóng rơi vào cạm bẫy của bọn buôn bán người, và rất may được Công an Trung Quốc phát hiện trong một đợt truy quét nên mới có cơ hội trở về quê hương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết nạn nhân trong những vụ buôn bán người là những cô gái mới lớn (chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa) không có công ăn việc làm ổn định nhưng muốn có cuộc sống hưởng thụ, thậm chí chấp nhận lấy chồng Trung Quốc để đổi đời!?. Ngoài ra, cũng có nhiều nạn nhân trên 35 tuổi nhưng chưa có chồng, hoặc có chồng nhưng bị chồng hành hạ, có tư tưởng so sánh cuộc sống ở quê nhà với Trung Quốc nhưng chưa rõ thực hư… Tất cả những điều trên là “miếng mồi ngon” để loại tội phạm mua bán người dễ dàng tiếp cận, dụ dỗ. Không chỉ sang Trung Quốc, tình trạng mua bán người sang Malaysia và các nước trong khu vực cũng rất phức tạp. Lợi dụng chính sách mở cửa và thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, bọn buôn người trong nước câu kết với ngoài nước hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân nhân, hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để lừa bán ra nước ngoài cũng khá phổ biến.

Vấn nạn mua bán người phức tạp là vậy, nhưng việc điều tra của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn do mọi hoạt động mua bán phần lớn đều diễn ra ở nước ngoài và nạn nhân cũng ở nước ngoài nên không thể trực tiếp làm việc được. Trong khi đó, để xử lý các đối tượng liên quan phải xác định được nạn nhân cụ thể, hành vi rõ ràng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, tệ nạn buôn người sẽ còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, để ngăn ngừa các vụ mua bán người, trước hết người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn dụ dỗ, những lời rỉ tai việc nhẹ, lương cao.

Nếu không may trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người, bị bán vào các động mại dâm trong nước hoặc nước ngoài, thì trước hết các nạn nhân phải tìm cách để tự cứu mình bằng cách ghi nhớ đặc điểm nơi mình đang bị giam giữ, ép bán dâm, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan công an (có thể nhờ điện thoại di động của khách mua dâm, hoặc lên mạng “chát”. Trên đường bị đưa đi tiếp khách, nếu thấy có cơ quan công an phải tìm cách chạy thật nhanh vào kêu cứu hoặc tìm cách nào đó để bọn chủ chứa đưa đến bệnh viện chữa trị, bởi ở những nơi đông người như bệnh viện sẽ dễ lẩn trốn hoặc nhờ sự giúp đỡ của những người tốt bụng hoặc cơ quan công an.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo nạn mua bán người sang Trung Quốc, Malaysia