Theo dõi trên

Cảnh báo ốc sên nhỏ phát sinh gây hại trên cây thanh long

27/09/2021, 15:26

BT- Hiện nay đang vào mùa mưa nên nhiều loại cây trồng nói chung và thanh long nói riêng bị các sinh vật hại tấn công, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Trong đó, hiện tượng ốc sên nhỏ gây hại trên cây thanh long có chiều hướng gia tăng, cần có các giải pháp phòng trừ… 

Ốc sên nhỏ gây hại trên trái thanh long.

Gần 1.000 ha bị ốc sên nhỏ gây hại

Toàn tỉnh hiện có 33.750 ha thanh long, đang ở thời kỳ cuối vụ mùa, bắt đầu chong đèn vụ nghịch. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra tháng 9/2021, hiện nay ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại nặng trên các vườn thanh long của tỉnh với diện tích 958 ha, tăng 53 ha so với tuần trước và tăng 324 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích bị ốc sên phá hại phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết.

 Mặt khác, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng quốc gia, cao điểm mùa mưa bão năm nay ở Trung bộ là tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài đến tháng 12. Do đó, trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa vừa đến mưa to trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thích hợp cho ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại mạnh trên vườn thanh long.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, ốc sên nhỏ (Bradybaena similaris Ferus) là đối tượng gây hại khá phổ biến trên các vườn trồng thanh long. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện loài ốc sên nhỏ gây hại mạnh trên cây thanh long, ốc cắn phá các bộ phận non, mềm của cây như cành non, hoa và trái làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến mẫu mã và giảm giá trị thương phẩm của trái thanh long. Ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại mạnh vào mùa mưa trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ dưới 30 độ C. Ở Bình Thuận, ốc sên nhỏ thường gây hại nặng vào thời điểm cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. 

Khuyến cáo các giải pháp phòng trừ

Trước thực trạng ốc sên nhỏ gây hại cây thanh long, ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã khuyến cáo một số biện pháp quản lý ốc sên nhỏ. Qua đó, nhằm hạn chế thiệt hại do ốc sên nhỏ gây ra cho cây thanh long. Cụ thể, một trong những biện pháp đó là nông dân cần vệ sinh vườn bằng cách dọn sạch cỏ dại, phát quang bờ ranh, cắt tỉa cành già, cành vô hiệu để tạo độ thông thoáng cho trụ thanh long để hạn chế nơi trú ẩn của ốc. Đồng thời, áp dụng biện pháp sinh học như thả vịt vào vườn thanh long với mật số 10 con/ha để quản lý ốc. Người trồng thanh long có thể sử dụng vôi bột, bằng việc rải vôi bột lên mặt đất xung quanh gốc thanh long vào buổi chiều tối.

Song song các biện pháp sinh học, Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng khuyến cáo nông dân sử dụng bả diệt ốc. Trong đó, sử dụng hoa thanh long, trái thanh long hư cắt mỏng, cám ướt, ... trộn với thuốc diệt ốc để rải tại những nơi ốc trú ẩn như đầu trụ, hàng ranh... vào buổi chiều mát, gần tối. Đặc biệt, nơi có mật độ số ốc sên cao, nông dân nên sử dụng các hoạt chất trừ ốc như Metaldehyde (Milax 100GR, Osbuvang 5GR, Toxbait 9AB, Yellow-K 12GB), Niclosamide (Tanthanh-oc 760WP, Dobay 810WP), Saponin (Teapowder 150BR, Abuna 15GR). Lưu ý, khi sử dụng bả mồi, nên chia làm 2-3 đợt để tiêu diệt số lượng ốc còn lại trên vườn.

Cũng theo ông Bảo, hiện nay Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp quản lý ốc sên hại thanh long cho nông dân trồng thanh long trên địa bàn biết và áp dụng.

K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai các giải pháp thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công từ tháng đầu tiên năm 2025
BTO-Chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Hoài Anh -ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đồng chí Đoàn Anh Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời thảo luận giải pháp triển khai trong tháng 1/2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo ốc sên nhỏ phát sinh gây hại trên cây thanh long