Ảnh 1 |
Là thị xã một thời mang danh “quê hương nước mắm”, sông ngày nào cũng chật chội bởi những nhà chồ mọc lên chen chúc dọc hai bên, ghe thuyền tha hồ neo đậu dày kín bờ. Nhận ra một điều gì đó tốt đẹp hơn, Bình Thuận đã vận động mở chiến dịch xóa nhà chồ, đưa bà con lên bờ định cư, ghe thuyền được bố trí chỗ neo đậu lại. Hai bên bờ sông từ cầu Cà Ty đổ ra phía cửa sông được lát gạch, làm tiểu công viên, là nơi mọi người tập thể dục buổi sáng và nơi gái trai tâm sự buổi chiều, xứng đáng một không gian đẹp của TP. Phan Thiết. Rồi giải tỏa làm tiếp con đường ven bờ Bắc song song với đường Võ Thị Sáu từ cầu Trần Hưng Đạo ra đến cửa sông, nhà cửa mọc lên thành một dãy phố mới, đường Phạm Văn Đồng bắt đầu tấp nập với các quán ăn mọc lên san sát, về chiều xe cộ tới lui đông vui. Và cũng từ đó, chuyện không đẹp về cảnh trí bờ tả sông Cà Ty bắt đầu…
Ảnh 2 |
Hãy thư thả đi dọc bờ tả sông Cà Ty để ngắm và suy ngẫm. Vì sao cả hai bên bờ sông đều được lát gạch rất đẹp, nhưng chỉ có lề đường Phạm Văn Đồng dọc phía Bắc sông gạch lát lại tróc nham nhở, đá sỏi trơ ra như một công trình đang xây dựng (ảnh 1). Hỏi mấy bác xe ôm, các bác cho rằng vì chuột đào. Hỏi tại sao chuột không đào ở ba lề đường khác ven sông, họ lắc đầu. Chẳng hiểu họ không biết, hay muốn che lấp một sự thật mà do chính người dân gây nên. Đó vì bà con sống dọc theo nơi đây khi đánh bắt được cá tôm là đem bày ra trên lề đường mổ xẻ để phơi, nước rửa cá đổ ra chảy cả trên lề rồi tràn xuống đường ứ lại, muốn khô lúc nào thì khô. Hỏi một chị đang làm cá tại sao lại đổ nước rửa cá trên lề, chị chỉ tay nói đại: “Nó chảy xuống cống dưới kia”, nhưng nhìn mãi chẳng thấy có miệng cống nào. Phải chăng đó cũng chính là nguyên do vì sao ở đây lắm chuột! Trên bờ sông thì vậy, còn dưới sông thì sao? Nếu ai đi ngắm cảnh sông Cà Ty vào lúc nước đầy, sẽ thấy dòng sông toàn bịch ni lông, rồi hộp xốp và cả những thứ rác khác nữa trôi lềnh bềnh, tuy có đội ngũ đi dọn rác trên sông nhưng không sao dọn xuể. Còn khi nước cạn, đứng bên lan can nhìn xuống thì… lòng sông không khác gì một bãi rác (ảnh 2). Từ đó, mùi hôi thối bốc lên, chẳng ai dám đứng ngắm dòng sông những lúc này. Một chị gốc Hội An lấy chồng Phan Thiết hơn 10 năm nay, tâm sự: “Sao Phan Thiết có dòng sông đẹp như vầy mà không biết chăm chút. Con sông Hàn quê tôi cũng có khác gì sông này đâu, mà sao ngoài nớ người ta biết làm cho nó sạch và đẹp rứa! Nếu ở đây làm tốt công tác phổ biến và phát động nhân dân sống hai bên sông không vứt các thứ dơ bẩn xuống sông, chắc rằng sông sẽ sạch hơn. Rồi các ngày thứ bảy và chủ nhật tổ chức du thuyền dạo chơi ngược lên thượng nguồn, chắc sông Cà Ty sẽ sống động lắm”.
Bao nhiêu năm qua, Phan Thiết rất nhiều lần trưng câu khẩu hiệu “Phấn đấu vì thành phố xanh, sạch, đẹp”, nhưng hô mãi, làm mãi, mà ngay như một con sông ở vị trí đắc địa có xanh sạch đẹp được tí nào đâu. Rõ ràng để có một dòng sông Cà Ty đẹp, ấn tượng trong lòng người bản xứ cũng như du khách, điều cần thiết phải có tầm nhìn và cách làm mới mẻ, hiệu quả hơn.
TRƯƠNG BẠCH TUYẾT