Thế nhưng, từ nhiều năm nay tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực động cát Giếng Sen diễn ra liên tục, khiến địa hình khu vực bị xáo trộn, thay đổi. Di chỉ khảo cổ bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Mặc dù Bảo tàng Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp lên UBND xã Hồng Sơn nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Một số hộ dân sống gần khu vực di chỉ cho biết, đây là khu vực cấm lấy cát, nhưng do đường xá thuận lợi, chính quyền xã lại không quản lý chặt chẽ nên “cát tặc” lộng hành. Cách đây mấy hôm UBND xã Hồng Sơn phát hiện và bắt quả tang được một xe khai thác cát nhưng xử phạt xong đâu lại vào đấy.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ đã có gần chục xe ôtô vào lấy cát. Có khoảng hơn 10 người xúc cát lên xe. Một người xúc cát cho biết, trung bình một xe 7 khối cát được trả khoảng 300 ngàn đồng tiền công và chỉ cần 15 phút là xúc đầy một xe. Số tiền này chia điều cho mỗi người tham gia xúc. Ngày nào xúc nhiều, mỗi người được khoảng 500 ngàn đồng.
Việc lấy cát trái phép, làm xáo trộn di chỉ dẫn đến di vật cổ vật bị mất mát và hư hỏng đồng thời làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép này, UBND xã Hồng Sơn cần phải có biện pháp quyết liệt. Thiết nghĩ, không ngăn chặn kịp thời, với đà lấy cát như thế chẳng bao lâu di chỉ khảo cổ học này sẽ bị phá nát.
Xuân Hùng