Theo dõi trên

Câu chuyện thực phẩm sạch

29/11/2017, 09:02

BT- 1.Nhân dự một đám cưới ở quê, ngồi rề rà hỏi chuyện các bác nông dân mới vỡ ra nhiều điều về... thuốc cấm. Hỏi rau, lúa... có còn phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật như trước không, thì nhận câu trả lời hàng hai, có cái phun thuốc, có cái không. Cái gì trồng để bán thì phun nhiều. Trồng để ăn thì không. Cho nên có đám ruộng mặc kệ sâu bọ phá phách, giảm phun thuốc tối đa để có hạt lúa “sạch” dành cho nhà mình ăn. Có mảnh rau, chỗ xanh mượt, chỗ thì lốm đốm thủng lá. Ngoài thuốc trừ sâu, nhiều người còn ngâm, phun phân đạm vào rau cải rồi cắt bán chỉ sau 1 ngày. Cách làm này làm cho rau cải tươi non, mập ra, tăng ký. Lại hỏi việc làm nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thì có người biết, người không. Người biết thì giản đơn là làm theo kinh nghiệm thời... cha ông để lại, không dùng phân hóa học và thuốc cấm. Người không thì chép miệng, sâu bọ bây giờ dường như đã khác, phun thuốc cấm còn chưa chết nếu không phun thì làm gì có rau...

                
   Quầy rau tại một siêu thị ở TP. Phan    Thiết.

2. Trong khi các cơ quan chức năng ra sức kêu gọi nông dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp sạch nhưng vẫn cho phép nhập thuốc trừ sâu với số lượng lớn. Trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 736 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tương đương 100.000 tấn để sử dụng trong nước, một phần chế biến tái xuất khẩu. Đến năm 2017, số thuốc càng tăng lên nhiều chứ không giảm, theo thống kê từ Bộ NN&PTNT có thể xấp xỉ 1 tỷ USD. Và thực tế đã từng có kiến nghị về việc loại bỏ một số thuốc cấm trong sản xuất, đưa ra khỏi danh mục cho nhập khẩu một số thuốc gây độc hại như hoạt chất 2,4D và Paraquat (trong thuốc diệt cỏ rất độc hại), nhưng các loại ấy vẫn được phép lưu hành tại Việt Nam cho đến ngày 8/2/2019.

Có thể thấy, chỉ có người trồng mới biết mớ rau nào nên và không nên ăn. Nhưng vì cái lợi nhỏ họ quên cái lợi lớn, tầm nhìn khó vượt khỏi lũy tre làng, bởi vậy cái mình ăn thì giữ, cái đi bán thì mặc kệ. Nghịch lý vẫn tiếp diễn, vì mỗi nhà làm mỗi kiểu, ai làm nông nghiệp sạch thì cứ làm, ai làm kiểu truyền thống cũng chả sao, ai bán cứ bán, ai mua cứ mua. Thậm chí một số nhà sản xuất và đại lý còn đưa cả đội ngũ nhân viên tiếp thị xuống tận chân ruộng để mời nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật với nhiều chính sách khuyến mãi, có nơi bán chịu cho nông dân sử dụng đến khi thu hoạch mới lấy tiền. Vậy làm sao có thể ngăn ngừa?

3. Không chỉ hạt gạo, mớ rau bị nhiễm độc, còn nhiều thứ khác với hàng ngàn loại hóa chất độc hại đang lan tràn khắp ngóc ngách đời sống. Con người vẫn tiếp tục đầu độc thiên nhiên và đầu độc chính mình. Chiếc đũa tre dùng để ăn cơm cũng có độc vì bị ngâm ủ trong chất tẩy, rồi dùng  phoọc môn giữ cho phở lâu thiu, hàn the làm chả giòn tươi cả tháng, ướp cá bằng phân u-rê, tẩy lòng heo bằng xà phòng, làm măng trắng bằng thuốc tẩy… Chính những chất độc đã âm thầm biến mặt người thành dị dạng, sinh ra quái thai, nhiều “bệnh lạ” xuất hiện, người bị ung thư ngày càng nhiều.

Người ta cũng hay đề cập chuyện tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng dường như khó đảm đương xuể. Và thực tế có quản lý đầu ra tốt đến mấy mà đầu vào để hình thành nông sản không an toàn thì chỉ làm phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc. Vậy nên, song song việc khuyến cáo làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, phải đi đôi với việc hạn chế tối đa việc cho phép sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, thay thế hẳn thuốc cấm bằng chế phẩm sinh học không gây hại sức khỏe con người, có như vậy mới nhanh chóng hình thành nền sản xuất sạch, an toàn, trước khi nói tới việc làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hay làm nông nghiệp thông minh nào đó.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi
BTO-Sáng 4/12, bà Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Dự buổi tiếp xúc cử tri có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, sở Giao thông – Vận tải, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND thị xã La Gi, cấp ủy, chính quyền xã Tân Tiến và đông đảo cử tri trên địa bàn.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện thực phẩm sạch