Theo dõi trên

Cha đẻ cuộc thi leo núi Tà Cú

16/03/2018, 08:43

BT - Mùng 7 tết, từ trung tâm huyện đến chân núi Tà Cú, người xe tập trung đông đúc. Đó là nơi diễn ra cuộc đua leo núi Tà Cú hàng năm, một sự kiện đã thành  nếp của huyện nhà. Giữa biển người đông vui đó, ông đứng lẳng lặng quan sát với nụ cười thường trực trên môi, ít ai biết rằng ông chính là tác giả của cuộc đua quy mô và ý nghĩa này.

         
   

      

       Cuộc đua leo núi Tà    Cú diễn ra hàng năm. Ảnh: N.T.H

Ý tưởng về cuộc thi

25 năm, với chặng đường phần tư thế kỷ, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hàm Thuận Nam, ông Nguyễn Thanh Quang cùng các cộng sự đã biến những ý tưởng ngỡ như không thể trở thành hiện thực. Ngày nay, hiện thực sống động đó đang góp phần thay đổi diện mạo văn hóa của một vùng đất mới vốn đầy rẫy những thiếu thốn và khó khăn.

Mùa xuân 1996, ông Nguyễn Thanh Quang cùng ông Nguyễn Ngọc Chỉnh và các cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hàm Thuận Nam đang leo núi thì thấy một tốp các em nhỏ gánh đồ thuê lên chùa cho khách hành hương. Nhìn các em đua nhau vượt lên trên con đường núi  quanh co, ông Quang và ông Chỉnh nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi leo núi Tà Cú. Từ ý tưởng manh nha trong đầu, mùng 7 tết năm sau, ông bàn với trung tâm, tổ chức cuộc thi leo núi đầu tiên  với 15 “vận động viên”, là những em nhỏ gánh đồ lên chùa cho khách năm trước. Nhiều người dân thấy vậy đã  hưởng ứng, tạo được không khí sôi động đầu tiên, tuy giải thưởng lúc bấy giờ chỉ mang tính tượng trưng. Năm 1997, nhân có dịp ông chủ của khu du lịch Rạch Dừa đặt vấn đề đầu tư ở núi Tà Cú, ông Quang tranh thủ kêu gọi tài trợ cho cuộc thi, giải thưởng có giá trị hơn đã tạo được sự khích lệ rất lớn, góp phần cho cuộc thi năm đó thành công ngoài sức tưởng tượng, được khá đông đảo dân chúng ủng hộ, gây tiếng vang khắp cả tỉnh. Năm 1998, ông xin ý kiến UBND huyện và kiến nghị phối hợp tổ chức với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận để mở rộng quy mô, mời cả miền Đông Nam bộ gửi vận động viên tham gia cuộc thi…

    
    Cuộc thi leo núi Tà Cú giờ đây không   chỉ có ý nghĩa khích lệ giữ gìn, nâng cao sức khỏe, không chỉ có mục   đích quảng bá hình ảnh địa phương, kích thích du lịch mà còn mang  một   thông điệp về sự gắn bó cần thiết và tình đoàn kết keo sơn giữa các tỉnh,   thành trên cả miền đất Đông, Tây Nam bộ và Tây nguyên.

Tết Mậu Tuất vừa qua (2018), cuộc thi leo núi Tà Cú là cuộc thi lần thứ 22, quy mô cuộc thi không dừng lại ở cấp chân núi, cấp huyện, cấp tỉnh, hơn 300 vận động viên của cả Đông, Tây Nam bộ và Tây nguyên đã tham gia cuộc thi vào mùng 7 tết hàng năm này. Cuộc thi giờ đã thành nét đẹp, có sức lan tỏa rất lớn được đông đảo  người dân cả một miền đất rộng lớn hưởng ứng, được truyền hình trực tiếp trên nhiều Đài phát thanh - truyền hình của các tỉnh trong khu vực, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, cuốn hút.

Không dừng lại ở leo núi, nhân dịp kỷ niệm thành lập huyện Hàm Thuận Nam 1/6/2006 kết hợp với việc hưởng ứng “Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5”, ông Quang và các cộng sự đưa tiếp ra ý tưởng về cuộc đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú. Ý tưởng của ông được UBND huyện ủng hộ nhưng vấn đề kinh phí để trao giải thì không thể. Qua nhiều đêm mất ngủ, trăn trở mãi cuối cùng ông cũng kêu gọi được tổ chức Phát triển cộng đồng tài trợ 40 triệu đồng để trao giải và mướn một đội moto dẫn đường. Quy cách cuộc đua ban đầu rất đơn giản dành cho các cua- rơ không chuyên nghiệp, thi bằng xe đạp ghi- đông ngang. Đường xuất phát từ chân núi Tà Cú đến resort Đồi Sứ (thuộc xã Thuận Quý). Sau thành công này, rất nhiều chủ doanh nghiệp và các giám đốc resort trong khu vực đã ngỏ ý tài trợ, nguồn kinh phí tổ chức giải đã tăng lên và dần ổn định.

Đến hiện nay, cuộc đua xe đạp này trở thành cuộc đua bán chuyên nghiệp, xe dự thi là xe cuộc theo đúng quy cách, cơ cấu tổng giá trị giải lên đến hơn 60 triệu đồng. Năm nay, Ban tổ chức đang chuẩn bị “Giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú lần thứ 11” với lực lượng cua-rơ được mời rộng mở như quy mô giải leo núi.

 Thích làm hơn là nói

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hàm Thuận Nam, một cộng sự gắn bó với ông Nguyễn Thanh Quang từ ngày ông Quang ở huyện Hàm Tân thuyên chuyển về Hàm Thuận Nam đến nay. Ông Dũng cho biết thêm: “Ông Quang có cái hay là gặp khó khăn dù mức nào rồi cuối cùng ông cũng tìm được cách tháo gỡ. Tầm xã giao của ông Quang rất rộng, lại sống và làm việc có trách nhiệm, thực sự biết quan tâm đến anh em trong cơ quan nên được mọi người nể trọng, yêu mến, sẵn sàng cộng tác trong mọi trường hợp. Tuy trầm tính nhưng khi nào cần nói ông cũng cởi mở chan hòa với mọi người, vì vậy mà cả cơ quan lúc nào cũng sát cánh bên nhau, vui vẻ ngay cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất”.

Quả đúng như vậy, người viết bài này cũng biết ông Nguyễn Thanh Quang từ lúc còn công tác trong Đội chiếu bóng lưu động ở Hàm Tân nên đồng tình với những nhận xét của ông Dũng. Có thể nói không quá, ông Quang là một giám đốc hiền lành, khiêm nhượng nhưng có nhiều sáng kiến.

Ông Quang sinh ra và lớn lên ở xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam. Thời kỳ đầu ông công tác ở các Đội Chiếu bóng số 3, rồi Đội 14, tháng 6/1986, ông Quang mới chính thức về công tác ở Công ty chiếu bóng Hàm Thuận Nam.

Trên nền khu mả lạng cũ, công ty kiến nghị với huyện xin hốt cốt sang nơi khác và xây rạp chiếu bóng đầu tiên mang tên Rạp chiếu bóng Hàm Thuận Nam. Đến cuối năm 1988, rạp chiếu bóng khánh thành. Lúc bấy giờ, ông Quang phụ việc cho Giám đốc Trương Quốc Tiến. Năm 1989, ông thay ông Tiến làm Giám đốc Công ty Chiếu bóng mãi đến năm 1993.

Ngày 1/4/1993, Công ty Chiếu bóng giải thể, đồng thời thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hàm Thuận Nam, ông Quang được phân công làm giám đốc cho đến nay.

Đối với phong trào văn hóa- văn nghệ huyện nhà, ông Quang cũng có nhiều sáng kiến, tạo dựng, duy trì được nhiều chương trình hấp dẫn, hiệu quả cao.

Hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hàm Thuận Nam đều tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng như “Tiếng hát Trung học phổ thông”, “Tiếng hát mãi xanh”… Chính từ cái nôi nhỏ bé này, nhiều giọng ca vàng của địa phương đã được phát hiện và trở nên ca sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng cả nước như ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Bích Trâm…

Đội Thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao cũng đã vững mạnh lên từng ngày, có mặt kịp thời khắp nơi trong huyện, kể cả các xã vùng sâu vùng xa, các vùng đất kháng chiến cũ, để phục vụ các yêu cầu chính trị của huyện nhà. Việc phối kết hợp với cả tỉnh tổ chức các Hội trại về nguồn ở Tân Thành và Hàm Minh những năm qua đạt kết quả tốt đẹp, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao…

Dù sống rất khiêm nhường, hiền lành nhưng ẩn sâu bên trong người giám đốc này là ý chí vượt khó và tinh thần sáng tạo. Việc gì, ý tưởng gì có lợi cho phong trào, cho đời sống xã hội huyện nhà,  dù khó khăn đến đâu, một khi đã đưa ra, ông Nguyễn Thanh Quang luôn là người tìm mọi cách thực hiện, duy trì, nâng cao dần cho bằng được. Từ ý tưởng đến hiện thực là một quãng dài chất chứa bên trong nó muôn vàn khó khăn, thậm chí có lúc tưởng chừng bế tắc nhưng với tố chất kiên trì, không ngại khổ của mình, ông Quang cùng với các cộng sự thân thiết đã từng bước tháo gỡ để có được một hiện thực phát triển như ngày nay. Những đóng góp của ông cho sự phát triển toàn diện của huyện Hàm Thuận trong hơn 25 năm qua thật đáng quý, đáng trân trọng. Ông Quang xứng đáng với huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam, Kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam.

N.T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha đẻ cuộc thi leo núi Tà Cú