Người dân phát triển chăn nuôi dê ờ thôn Bàu Chim. |
Bàu Chim là một thôn nghèo của xã Đức Thuận. Hiện toàn thôn có 35 hộ nghèo với 135 khẩu và 15 hộ cận nghèo với khoảng 62 khẩu; có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẽ. Năm 2015 thôn Bàu Chim thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nguồn gốc đất khu vực thôn Bàu Chim trước đây hầu hết do đồng bào dân tộc Chăm khai phá sản xuất nông nghiệp, sau đó lần lượt chuyển nhượng lại cho các hộ khác (phần lớn là người Kinh) để làm nhà ở và sản xuất, chăn nuôi. Việc mua bán, chuyển nhượng nói trên hầu như không lập thủ tục theo quy định mà chỉ làm giấy tay; việc chuyển nhượng này được thực hiện sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành. Mặt khác, khu vực thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận trước đây thuộc ranh giới hành chính xã Lạc Tánh (cũ) quản lý khoảng 80ha đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo bản đồ trích đo. Nhưng hiện nay số hồ sơ địa chính không còn lưu giữ đầy đủ, giấy chứng nhận QSDĐ đã giao cho người sử dụng đất. Để giải quyết vấn đề này, ngày 2/7/2015 UBND huyện Tánh Linh đã có Thông báo số 584 chỉ đạo UBND xã Đức Thuận hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân tại thôn Bàu Chim có nhu cầu nhận chuyển nhượng QSDĐ tiến hành kê khai, tổng hợp ý kiến quân, dân, chính và Đảng ủy xã trước khi đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tánh Linh xem xét. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên xã Đức Thuận đã thông báo để người sử dụng đất đến trụ sở thôn Bàu Chim kê khai. Tuy nhiên, đến nay qua nhiều tháng triển khai vẫn chưa có kết quả kê khai của người sử dụng đất.
Thiết nghĩ, UBND xã Đức Thuận cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, nhận thực đúng và có trách nhiệm kê khai, từ đó mới có cơ sở để địa phương xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Qua đây cũng cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở thôn Bàu Chim kéo dài, nguyên nhân có phần do người sử dụng đất thiếu trách nhiệm trong việc kê khai lập thủ tục theo quy trình, quy định của pháp luật.
Nhật Bảo