Theo dõi trên

Chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè tại biển Mũi Né

02/09/2017, 09:20

BTO- Manh nha xuất phát từ năm 2010, nghề nuôi cá bóp tại vùng biển Mũi Né (TP. Phan Thiết) lúc cao điểm lên đến 17 bè nuôi/16 hộ. Thu nhập từ nghề nuôi khá hấp dẫn nên không ít hộ đã đổ tiền của đầu tư vào các bè cá. Tuy nhiên, điều đáng nói là vùng biển Mũi Né không nằm trong khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản, điều này đồng nghĩa từ trước đến giờ các hộ dân đều nuôi trái phép.

Nuôi cá bóp lồng bè ở Mũi Né

Đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Hồng Mỹ (khu phố 10, phường Mũi Né) mua lại lồng bè nuôi cá bóp rộng gần 400m² của một người cùng địa phương với giá 2 tỷ đồng. Sau đó, bà đầu tư thêm khoảng 2 tỷ nữa để tu bổ lồng bè và thả nuôi lứa cá mới. Sau thời gian đầu thua lỗ do chưa có kinh nghiệm chăm sóc thì từ đầu năm 2017, bà bắt đầu xuất bán cá có lãi. Tuy nhiên, niềm vui mới chớm thì bà và nhiều hộ nuôi khác nhận thông báo của UBND phường Mũi Né về thời gian chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè trái phép. Bà Hồng Mỹ nói: “Tại Mũi Né, nguồn hải sản hiện nay đang ngày càng khan hiếm. Trong khi đó ngành du lịch của mình hiện nay rất phát triển cho nên tôi cũng muốn đầu tư thêm nghề nuôi cá bóp để làm kinh tế vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống của du khách. Cá nhân tôi nhận thấy so với nhiều nơi, cá bóp Mũi Né tuy có giá cao hơn một chút nhưng bù lại nhờ nguồn nước sạch nên cá phát triển tốt, cho thịt thơm ngon. Vì vậy mà chúng tôi mong muốn ngành chức năng cho phép giữ lại nghề nuôi này”. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Mỹ lo lắng khi nghe tin chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè

 Được biết, năm 2014 UBND tỉnh đã có Công văn số 1317/UBND-KTN chỉ đạo về việc xử lý cá nuôi lồng bè tại Mũi Né. Sau đó, UBND phường đã thông báo chủ trương để các hộ nuôi tự tháo gở. Tuy nhiên, suốt 3 năm qua, các hộ cứ xin gia hạn thêm thời gian để cá đủ tuổi xuất bán sẽ tự tháo gỡ, nhưng rồi mọi việc vẫn không tiến triển. Khi đến hạn cưỡng chế thì những hộ nuôi sau lại viện lí do cá giống mới thả nên tiếp tục xin gia hạn để đến tuổi thu hoạch. UBND phường cũng cho biết, khác với những vi phạm khác, việc nuôi cá lồng bè trái phép khó thực hiện cưỡng chế vì tang vật vi phạm nằm ngoài biển, muốn xử lí phải cần có thời gian, phương tiện và chi phí lớn. Được biết, sau thời gian tuyên truyền vận động, đến nay 9 hộ đã tự tháo gở bè nuôi cá bóp tại Mũi Né. Riêng những hộ còn lại đang có đơn xin xem xét giữ lại nghề nuôi. Tuy nhiên mới đây, UBND TP. Phan Thiết đã trả lời chính thức về việc buộc chấm dứt hoạt động nuôi cá bóp tại Mũi Né. UBND TP Phan Thiết cũng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện chưa có quy hoạch để nuôi hải sản trên biển. Việc nuôi hải sản của các hộ tại khu vực biển thuộc phường Mũi Né là sai quy định, các vị trí nuôi nằm trong khu vực neo đậu tàu thuyền đã được quy hoạch để neo đậu tránh trú bão do đó sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu thuyền, các hoạt động khác trên biển. Bên cạnh đó, về lâu dài, số lượng lồng bè phát triển sẽ có thể gây ô nhiễm môi trường và sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hải trên biển. Đồng thời vị trí nuôi không được cố định tại một vị trí (vào mùa bấc từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm lồng nuôi được đặt tại bãi trước, vào mùa nam từ tháng 4 đến tháng 10 lồng nuôi được đặt tại bãi sau). Trong khi đó, theo ý kiến của Chi cục thủy sản Bình Thuận, vùng biển Phan Thiết là vùng biển hở không thích hợp để nuôi hải sản bằng lồng bè vì không đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đến.

Cá bóp đến tuổi thu hoạch

Như vây, việc nuôi hải sản bằng lồng bè tại vùng biển thuộc phường Mũi Né là không đúng với chủ trương của tỉnh, quy định của TP. Phan Thiết. UBND TP. Phan Thiết yêu cầu UBND phường Mũi Né thông báo đến từng hộ dân đang nuôi cá lồng bè khẩn trương tháo dỡ, hoặc di dời đến khu vực đã được UBND tỉnh quy hoạch để phát triển việc nuôi hải sản bằng lồng bè trên biển (Phú Quý, Tuy Phong).

Theo Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc quy hoạch phát triển ngành thủy sản, giai đoạn 2011 - 2020, vùng biển Mũi Né không nằm trong vùng quy hoạch nuôi hải sản. Điều này đồng nghĩa hoạt động nuôi cá lồng bè tại đây là trái phép. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc xử lý các hộ nuôi đã không được phường Mũi Né thực hiện kiên quyết ngay từ đầu. Để rồi từ 1, 2 hộ manh nha nuôi lồng bè, lúc cao điểm ngành nghề này tại Mũi Né phát triển lên đến 17 bè/16 hộ nuôi. Điều này kéo theo thiệt hại từ người nuôi sẽ rất lớn. Chi phí đầu tư mỗi bè nuôi ít nhất từ 2 tỷ trở lên, cá biệt có hộ nuôi đầu tư kiên cố thì giá trị mỗi bè lên đến hơn 10 tỷ đồng. 


Châu Tỉnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè tại biển Mũi Né