Theo dõi trên

Chất vấn tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa X: Nóng dự án “ma”, dự án treo

25/07/2019, 09:36

BT- Tình trạng một số dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản nhưng đã rao bán rộng rãi trên các sàn giao dịch bất động sản, các dự án đầu tư “treo” nhiều năm chờ cơ hội sang nhượng, hay tình trạng nhà, đất “siêu mỏng” làm mất mỹ quan đô thị… là những vấn đề làm “nóng” phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tại kỳ họp thứ 8  - HĐND tỉnh vào sáng 24/7.

Dự án chưa đủ điều kiện, nhưng rao bán có đúng quy định?

Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu bức xúc về tình trạng các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chưa đủ các điều kiện, thủ tục nhưng lại rao bán đất nền rộng rãi trên các sàn giao dịch bất động sản và trên mạng xã hội. Như vậy là có đúng quy định không? Hướng xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Xà Dương Thắng cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 32 dự án kinh doanh bất động sản đã được chấp thuận đầu tư. Để chấn chỉnh các hoạt động giao dịch bất động sản này trong thời gian qua Sở Xây dựng đã ban hành 14 văn bản khuyến cáo nhắc nhở các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, yêu cầu chấp hành nghiêm pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh; trường hợp tiếp tục vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trách nhiệm này thuộc về các chủ đầu tư. Qua nghe trả lời, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiếu chưa hoàn toàn đồng ý, đề nghị nói rõ trách nhiệm thuộc về ai? “Trong khi hàng chục dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng lại rao bán công khai. Các luật đã có quy định, các doanh nghiệp này ít nhất vi phạm 5 hành vi, xử phạt từ 500 - 600 triệu đồng. Việc mua bán, giao dịch còn có sự tham gia của các trung tâm giao dịch bất động sản, sàn môi giới, kể cả các cá nhân tham gia giao dịch”, ĐB Hiếu đặt vấn đề.

ĐB Nguyễn Quốc Thắng truy tiếp: Các dự án lách Luật Kinh doanh, mà thông qua các hợp đồng góp vốn, các hành vi này đã hình thành, nên việc nhắc nhở, cảnh báo là không đúng, phải xem xét có đúng quy định hay không?  Xem có dấu hiệu lừa đảo hay không? 

                
ĐB Phạm Thị Minh Hiếu chất vấn.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với các cá nhân, nhóm môi giới bất động sản, thời gian qua đã được rà soát và ổn định tình hình giao dịch bất động sản không đúng quy định.

Đối với các dự án “ma”, ngành xây dựng đã trực tiếp kiểm tra 2 dự án ở Hàm Tân (Alibaba) mời gọi đầu tư, bán đất nền không có thực, không có cơ sở pháp lý. Về việc xử lý, do chưa có tác động xây dựng nên chưa xử lý, ông Thắng cho biết thêm.

Về tình trạng xuất hiện nhà, đất “siêu mỏng” làm mất mỹ quan đô thị  như các đại biểu đã phản ánh, vấn đề này trong các đồ án quy hoạch được phê duyệt, cụ thể là các khu vực quy hoạch 2 trục đường chính trong đô thị Phan Thiết là đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và đều có đề xuất thu hồi để tạo cảnh quan kiến trúc 2 bên đường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa có điều kiện để thu hồi triển khai, đồng thời việc thu hồi đất làm đường chưa tính được hết các lô đất không đủ điều kiện xây dựng để thu hồi.

Dọc các đường chính đều yêu cầu thu hồi, để hạn chế, TP. Phan Thiết tăng cường quản lý, rà soát khi người dân xin cấp phép xây dựng.

ĐB Thiện hỏi tiếp: Nguyên nhân xuất hiện nhà “siêu mỏng” xuất phát từ khi làm đường, mở đường, đó là hậu quả của quy hoạch dẫn đến đất nhỏ, đất mỏng nên người dân mới phải xây dựng. Việc quy hoạch mới là vấn đề lớn. Về việc này, có phải do người dân hay do hậu quả quy hoạch không đúng, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng phải nói rõ.

Ông Thắng cũng thừa nhận vấn đề nhà “siêu mỏng”, ngành xây dựng cũng chưa lường hết được vấn đề. Khi đầu tư mở rộng mới tuyến đường phải dành quỹ đất chỉnh trang đô thị. Sở cũng đã cân nhắc các khu vực để sắp xếp lại khu dân cư sẽ khang trang hơn. Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cũng theo tiêu chí này. Tuy nhiên “lỗ hổng” là do chưa kiểm soát được quỹ đất khi mở rộng các tuyến đường. Xin nhận trách nhiệm trước đại biểu và nhân dân. Về dự án “ma”, ông Thắng cho biết các hành vi vi phạm của các dự án đều nắm được, nhưng việc xử lý khi chủ đầu tư vi phạm trực tiếp. Chứ việc công khai trên website của chủ đầu tư, thì rất khó xử lý, khi nào thực hiện trên địa bàn tỉnh mới xử lý được. Việc giao dịch đặt, “giữ” chỗ, “xí” chỗ của các dự án bất động sản, sở cũng sẽ cố gắng xử lý nghiêm các hành vi này. Nhất là kết hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý nếu có trường hợp chiếm dụng vốn. 

Dự án “treo” cố tình lách luật, xây chòi chờ chuyển nhượng

Liên quan đến các dự án “treo”, kéo dài, hoặc có tình trạng chờ cơ hội sang nhượng, điều này tạo ra “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế tỉnh nhà như cử tri phản ánh, các đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Phong cho biết có hay không? Nếu có, giải pháp sắp tới như thế nào? Giám đốc Nguyễn Văn Phong cho biết: Tính đến thời điểm giữa tháng 6/2019, toàn tỉnh có 1.498 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích gần 60.000 ha, tổng vốn trên 301 tỷ đồng. Trong đó có 140 dự án chậm triển khai do giải phóng mặt bằng, chưa hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chồng lấn quy hoạch titan…Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Huỳnh Hoa cho rằng: Việc quản lý các dự án phải có biện pháp, động thái xử lý các dự án phải nghiêm. Nhiều dự án có đất sạch, vẫn không thực hiện đầu tư thi công, xây dựng. Riêng Mũi Né có 20 dự án, qua làm việc cứ xin gia hạn mãi!. Như dự án Minh Sơn, Minh Quân, Việt Hùng đất sạch, không xây dựng, cứ rao bán. Kiến nghị thì Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến nên tạo điều kiện vì đây là các dự án mới. Cách làm này tôi không đồng ý, cần kiên quyết hơn.

                
Giám đốc Sở Xây dựng Xà Dương Thắng trả lời    chất vấn.

ĐB Lương Thanh Sơn băn khoăn: Theo quy định pháp luật, thời gian cho phép dự án được chậm trong bao lâu? Có những dự án lên đến gần 20 năm rồi nhưng chưa thấy triển khai? Đề nghị nói rõ.

 “Có một số chủ đầu tư cố tình lách luật, xây 1 chòi nhỏ, hoặc rào đất để chờ cơ hội chuyển nhượng, sở cần giám sát tiến độ của các dự án này”, ĐB Minh Hiếu nhấn mạnh.

K.Ngọc -   K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý
BTO - Trong sự kiện diễn ra tại thủ đô Warszawa Ba Lan từ ngày 26 đến 30/8/1975, Giáo dục Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” và ngày này được tổ chức lần đầu tiên tại miền Bắc, sau đó các vùng giải phóng miền Nam vào các năm sau đó. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất vấn tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa X: Nóng dự án “ma”, dự án treo