Du lịch xanh sẽ giúp Phú Quý tạo nét riêng. |
“Đặc sản” Phú Quý
Nghe tin ra Phú Quý có tàu cao tốc, Việt ở TP. Hồ Chí Minh hẹn tôi ra khám phá đảo vào dịp lễ 30/4 – 1/5. Đã nhiều lần ra đảo nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi bằng tàu cao tốc. Một cảm giác háo hức dâng trào khi chuẩn bị hành lý ra đảo…
7 giờ 30, con tàu Superdong nhổ neo, đưa chúng tôi ra với đảo ngọc. “Tháng 3, bà già đi biển”, biển mùa này như mặt hồ mùa thu. Vừa ra khỏi cảng, con tàu lao đi vun vút để lại phía sau một vệt bọt trắng xóa, dài tít tắp giữa cái màu xanh ngọc bích của nước biển. Con tàu lúc này không khác gì một con tuấn mã, phi nước đại trên ‘bãi cỏ” biển đông. Trong tiếng nhạc réo rắt phát ra từ hệ thống âm thanh của tàu, tôi chợt nhớ đến lần ra Phú Quý đầu tiên, cách đây 6 năm bằng con tàu Bình Thuận 16. Cũng biển tháng 3, nhưng con tàu ì ạch, nhích từng chút một. Ngày đó, người ta mua vé tàu chỉ để được lên tàu, còn lại trong suốt hải trình gần 7 giờ toàn thấy hành khách ngồi trên boong hít gió biển. Bởi dưới chỗ ngồi không có hệ thống thoát mùi, không máy lạnh, nóng như cái lò bát quái. Chuỗi ký ức của tôi chợt gián đoạn bởi tiếng cười nói rôm rả của nhóm bạn trẻ kế bên. Họ đang live stream trên Facebook nói chuyện với nhóm bạn đang ở trong đất liền. “Phê mày ơi. Tàu chạy như tên lửa. Nhạc nhẹ, nệm êm thật là hết sẩy…”. Hỏi mới biết, nhóm bạn trẻ này là du khách từ TP. Hồ Chí Minh ra đảo du lịch. “Xa vậy sao bọn em mua vé tàu?”, tôi hỏi. “Dễ mà anh, giờ cái gì chả mua qua mạng được. Bọn em lên trang của nhà tàu rồi đặt vé, thanh toán trực tuyến nên cũng tiện”, bạn nam ngồi cạnh tôi nói.
Chỉ sau 2 giờ 30 phút, tàu Superdong đã đưa chúng tôi đến Phú Quý. Người, xe ken dày phía tàu cập bến. “Người với xe đâu nhiều vậy anh”, tôi hỏi anh Bình, chủ nhà nghỉ Thái Bình nơi chúng tôi sẽ ở cho những ngày ở tại đảo. “Xe và người ở đây hầu hết là chủ các nhà nghỉ ra cảng đón khách du lịch. Từ khi có tàu cao tốc Phú Quý không ngày nào vắng khách du lịch. Thứ bảy, chủ nhật hầu hết khách sạn trên đảo đều cháy phòng. Điều mà cách đây 1 năm chưa ai dám nghĩ tới”, anh Bình nói. Đưa mắt nhìn một vòng, nhẩm tính cũng phải hàng trăm chiếc xe máy đang dựng ở khu vực cảng. Tính sơ sơ, trên chuyến tàu chúng tôi đi cũng trên dưới 200 khách du lịch. Chúng tôi về khách sạn trên những con đường trải nhựa rộng và sạch sẽ. Đường thẳng tắp, xe chạy êm ru nhưng tuyệt nhiên không có một đèn tín hiệu giao thông ở các ngã ba, ngã tư. Có lẽ ngoài TP. Đà Lạt thì Phú Quý là địa phương có điều đặc biệt này. Đoàn chúng tôi về phòng thì phát hiện thiếu 2 bạn nữ lần đầu ra đảo. Mọi người nháo nhào, gọi điện nhưng cả 2 đều không nghe máy. 20 phút trôi đi, nét lo âu bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt các thành viên trong đoàn. Một thanh niên chạy xe từ từ, tay chỉ về phía chúng tôi đang nhìn. “Cảm ơn anh nhé”, giọng nói quen thuộc vang lên rồi cả 2 bạn đi xe vào. “Ơn giời, thánh đây rồi”, Lâm người trẻ tuổi nhất trong đoàn chúng tôi tếu táo. “Do ăn ở mấy đứa ơi. Vừa ra khỏi cảng được một đoạn thì xe hết xăng. May quá có ngay trai đẹp đẩy xe đến cây xăng rồi dẫn về tận đây luôn”, chị Trang cười hãnh diện. Với ai thì không biết nhưng tôi cũng một lần được người dân trên đảo giúp đỡ đẩy xe đi đến chỗ vá vỏ. Người dân đảo là vậy, chân chất, thật thà giúp đỡ mọi người bất kể thân sơ, gần gũi như người trong nhà và có lẽ đây là một trong những “đặc sản” mà chỉ riêng Phú Quý mới có.
Lượng khách du lịch đến Phú Quý tăng đột biến. |
Chúng tôi thuê xe, đi một vòng khám phá huyện đảo. Trừ khu trung tâm các xã thì hầu như Phú Quý còn rất hoang sơ. Thấp thoáng phía dưới những tán cây là những ngôi nhà nhỏ, chòi để người nông dân nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc. Sau nhiều năm, lần này quay lại Phú Quý đã đổi thay rất nhiều, cái dễ thấy nhất là nhà nghỉ, khách sạn mọc lên nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tăng. “Phú Quý đẹp, bình yên đến lạ. Chẳng phải quê mình nhưng nhìn đâu đó vẫn thấy bóng dáng tuổi thơ. Giờ không dễ kiếm những nơi du lịch vừa đáp ứng đủ nhu cầu của khách, vừa giữ được nét hoang sơ để hoài niệm, để khám phá như vậy. Chỉ sợ mai đây, dưới áp lực của tốc độ phát triển du lịch cái bản sắc này sẽ biến mất như đã từng xảy ra ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác…”, Việt vừa nói vừa chỉ tay về vịnh Triều Dương, bãi cát đẹp nhất huyện đảo giờ đã xuất hiện những khối bê tông…
Ngã ba đường
Điều băn khoăn của Việt không phải không có lý. Bởi trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 mà chúng tôi ở đảo thì cũng có khoảng gần 15.000 du khách đã chọn Phú Quý làm điểm du lịch. Đi dọc các địa danh nổi tiếng vịnh Triều Dương, Cột cờ, mộ Thầy, núi Cao Cát… đâu đâu cũng gặp du khách. Lượng khách tăng đột biến khiến cơ sở hạ tầng công cộng của đảo bị quá tải. Vấn đề muôn thuở trong du lịch – ô nhiễm môi trường lại xuất hiện. Công bằng mà nói, nhiều du khách đã có ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên số lượng đó không nhiều. Hình ảnh những du khách “hồn nhiên” quăng vỏ chai nước xuống ven đường hay bỏ vỏ hộp đựng thức ăn ở mọi nơi không phải là hiếm. Đó là trên đường còn ở những bãi biển đẹp như vịnh Triều Dương thì hình ảnh từng nhóm du khách ngồi ăn nhậu, thưởng thức hải sản xong để lại “bãi chiến trường” ly, chén, đũa cũng không phải là hiếm. Cũng có nhóm ý thức hơn là thu dọn ly, chén vào bịch nilon nhưng rồi cũng để ngay tại chỗ, không cần biết ai sẽ thu gom chỗ rác đó. Đêm xuống, một loại hình được du khách ưa thích là đốt lửa trại ngồi ngắm biển đêm, ngân nga vài câu hát. Nhưng xong rồi, bỏ đó không ai chịu lấy cát lấp lên khiến gió thổi tro bay mù mịt vào khu dân cư… Du khách tới nhiều, những chủ lồng bè trước đây vốn chỉ thuần túy nuôi hải sản thì nay đã chuyển sang kinh doanh du lịch, phục vụ du khách ăn uống tại chỗ. Đây là loại hình gây ấn tượng với du khách. Nhưng việc thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, du khách vô tư “xả thẳng” xuống biển khiến nhiều người ái ngại. “Du khách đến với huyện đảo, ai cũng mừng. Bởi không chỉ đông vui hơn mà nó còn giúp nguồn thu nhập của người dân tăng lên. Nhưng nó cũng kéo theo nhiều hệ quả. Mà dễ thấy nhất là vệ sinh, môi trường đang xấu đi. Trước đây ở những nơi sinh hoạt cộng đồng, bãi biển rất ít rác thì nay ngược lại. Phải có những chính sách hợp lý thì mới duy trì được hệ sinh thái xanh vốn có của huyện đảo”, bà Nguyễn Thị Lan cho biết.
Trước đây, khoảng cách địa lý cộng với sự khó khăn trong phương tiện đi lại khiến du khách “ngại” đến Phú Quý. Người ta biết đến Phú Quý chỉ qua lời kể, qua những bức ảnh vô tình biến nơi đây thành một thử thách để khám phá. Nhưng khi xuất hiện hàng loạt tàu cao tốc, khoảng cách địa lý đã không còn là lo ngại lớn nhất với du khách thì chuyện xách ba lô ra đảo ngọc là điều dễ hiểu. Thời gian qua đổ xô đi Phú Quý những tháng qua là theo trào lưu, đi để khoe với bạn bè… Những ngày tôi ở lại huyện đảo, không hiếm để gặp những đoàn khách đến đảo Phú Quý trong độ tuổi ngoài U50. Họ đến với Phú Quý để “đến một lần cho biết”.
Vấn đề môi trường chỉ là phần nổi, điều dễ thấy nhất trong sự phát triển đột biến của du lịch Phú Quý. Chuyện quy hoạch hay giữ bản sắc riêng điều làm nên thương hiệu Phú Quý mới là câu chuyện dài hơi. Phú Quý có diện tích không lớn, chỉ khoảng 17 km2, chỉ bằng 1/34 so với diện tích đảo Phú Quốc. Lớn là vậy nhưng sự phát triển ồ ạt của các khu du lịch, khu dân cư bất chấp quy hoạch đã khiến đảo Phú Quốc méo mó.
Trở lại với “Viên ngọc thô Phú Quý”, hòn đảo mà nhiều dân phượt dùng mỹ từ “đẹp như miền tiền sử” để gọi, thời điểm này, mới ở điểm xuất phát, chuẩn bị xây dựng một thương hiệu du lịch. Công bằng mà nói Phú Quý không có nhiều những công trình văn hóa, di tích độc đáo đến mức ở những nơi khác không có. Bãi tắm, đền chùa ở huyện đảo vẫn tìm thấy ở những nơi khác ở đất liền. Diện tích không lớn nếu cứ cuốn theo “trào lưu” xây khách sạn to, làm resort cao cấp với diện tích vài chục hecta thì Phú Quý sẽ hòa tan trong bản đồ du lịch. Điều đã từng xảy ra với “thủ đô resort” Hàm Tiến – Mũi Né.
Chúng tôi về lại đất liền vào buổi trưa, Phú Quý lúc này đẹp lạ thường. Những ngôi nhà núp dưới tán cây xanh rì, bình yên và thơ mộng. Tiếng những bạn trẻ vẫn vang lên ở hàng ghế phía trước. Nhưng trong số đó có mấy người quay lại lần 2? Chắc chắn sắp tới, du lịch nơi đây sẽ còn phát triển hơn nữa, con số phấn đấu đến năm 2025 Phú Quý đón khoảng 45.000 lượt khách có lẽ sẽ đạt trong một hai năm tới. Nhưng phát triển theo hướng nào, giữ nguyên bản sắc, phát triển du lịch xanh hay xây những resort rồi biến cái chung phục vụ cộng đồng thành cái riêng cho chủ đầu tư là vấn đề quyết định biến Phú Quý thành điểm nhấn du lịch hay hòa tan trong bản đồ chung…
Phóng sự: Nguyễn Luân