Chiều 7/9, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) đã đưa ra tuyên bố khẳng định không có trường hợp người biểu tình nào tử vong trong hành động thực thi pháp luật của cảnh sát Hồng Kông ba tháng qua.
Người biểu tình bạo loạn tìm cách đột nhập vào tòa nhà Hội đồng lập pháp Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 31/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người phát ngôn Chính quyền Hồng Kông nhấn mạnh những tin đồn ác ý tiếp tục lan truyền trên mạng Internet, với ý đồ lừa dối công chúng, nhằm kích động sự bất đồng và bất mãn xã hội.
Chính quyền Hồng Kông cho biết ngay từ ngày 2/9, phía cảnh sát cũng đã tổ chức họp báo khẳng định rằng trong hành động tối 31/8 tại ga Prince Edward không có người biểu tình nào bị đánh đến chết. Tiếp sau đó tại các cuộc họp báo ngày 3/9 và 5/9, phía cảnh sát một lần nữa nhắc lại những chỉ trích có liên quan không có căn cứ, hoàn toàn là bịa đặt.
Cục quản lý y tế Hồng Kông cũng một lần nữa xác nhận theo hồ sơ ghi chép thì không có trường hợp tử vong trong vụ việc tại ga tàu điện ngầm Prince Edward vào tối 31/8.
Vụ việc bắt nguồn từ hôm 31/8, những người biểu tình quá khích đốt phá và gây thiệt hại ga tàu điện ngầm Hồng Kông. Vào đêm đó, một nhóm cảnh sát chống bạo động và lực lượng cảnh sát đặc biệt đã xông vào ga Prince Edward và lên tàu bắt giữ người biểu tình. Hai bên đã xảy ra xung đột nghiêm trọng, có cảnh sát dùng dùi cui khiến nhiều người bị thương.
Mấy ngày gần đây, trên mạng Internet đã lan truyền rằng tối hôm đó có người biểu tình bị cảnh sát đánh đập đến chết. Thậm chí, một số người tự nhận là bạn bè của “người chết," đến ga Prince Edward đặt hoa cúc để tưởng niệm, đồng thời đòi truy cứu cảnh sát và yêu cầu ga tàu điện ngầm công khai đoạn video hôm 31/8.
Trong khi đó, ngày 6/9 và ngày 7/9 các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra bên ngoài ga tàu điện ngầm Prince Edward ở khu Mongkok và sân bay khiến cảnh sát Hồng Kông phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.
Trước đó hôm 4/9, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi như một phần của bốn biện pháp nhằm xoa dịu các nhà hoạt động, tuy nhiên các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi.
Lê Anh (TTXVN)