Theo dõi trên

Chính sách “tam nông”, nâng tầm nông nghiệp

13/07/2021, 10:16

BT- Những năm qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho ngành nông nghiệp. Các giải pháp tái cơ cấu ngành đang được triển khai tích cực, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững… Trong đó, Nghị quyết 14/2017 của Tỉnh ủy Bình Thuận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh được ví như bệ đỡ, nâng tầm sự phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.

Bài 1: Những mô hình nông nghiệp chiều sâu

Chính sự ứng dụng mạnh mẽ khoa học vào sản xuất đã góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, làm thay đổi bức tranh kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh trong chuyến thăm vùng thanh long Bình Thuận. (ảnh tư liệu)

Nông nghiệp công nghệ cao

Cách đây hơn 10 năm, khi các hệ thống hồ chứa, thủy lợi chưa phát triển hoàn thiện và một số công trình chưa xây dựng, bà con đau đáu chuyện nước tưới để sản xuất cây trồng, phát triển kinh tế. Theo thời gian, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, chính quyền địa phương, từng hồ chứa, từng tuyến kênh nối mạng được phủ khắp, đã dần kéo nguồn nước mát tưới tắm cho cây trồng, góp phần đổi thay về năng suất, sản lượng. Nước tới đâu, cây thanh long mọc lên ở đó, điển hình như vùng núi bao quanh hồ chứa nước Đu Đủ (Hàm Thuận Nam). Nhìn từ xa, từng vạt thanh long thẳng tắp được trồng chênh vênh trên sườn núi, chỉ cần có nước, trái đã đỏ cành.

Trong dịp tháp tùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đến thăm vùng trồng thanh long của tỉnh vừa qua, tôi có dịp ghé thăm trang trại Bình An (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), với quy mô 18 ha. Quả thật, bước vào không gian rộng lớn của trang trại, không ai nghĩ đến ở vùng đất hạn này, cây nho ngoại, thanh long GlobalGAP lại phát triển theo hướng công nghệ cao hiệu quả đến thế.

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Tuyết Mai - chủ trang trại Bình An, là nhờ sự mạnh dạn đầu tư, nên vườn nho ngoại nhập theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã cho thu hoạch 2 vụ/năm và tăng năng suất gấp 6 - 7 lần so với cách thức sản xuất truyền thống. Bà chủ trang trại cũng đang nung nấu ý tưởng nhân rộng trồng nho công nghệ cao đến người dân địa phương. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng nho lên đến 50 ha, vừa phục vụ thị trường nho tươi trong nước cũng như các sản phẩm chế biến sâu… Ngoài trang trại Bình An, ở địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn có nhiều trang trại khác, trong đó có trang trại thanh long Hồng Hà với diện tích trên 50 ha tại thôn Phú Nghĩa, xã Hàm Cường cũng đang phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao rất hiệu quả, với các giống mới như thanh long vỏ vàng, ruột trắng ngoại nhập. 

Tạo bước phát triển đột phá

 Theo quan sát của chúng tôi, điểm nổi bật của các trang trại theo hướng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng là đều sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt, phun mưa và bón phân tự động. Bên cạnh đó, các chủ trang trại đều thiết kế vườn thanh long đảm bảo cơ giới hóa chăm sóc và thu hoạch thuận lợi. Đặc biệt, đối với trang trại thanh long Hồng Hà được trồng theo giàn và là điểm thực hiện dự án xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long bền vững giữa Sở NN-PTNT và Viện Bảo vệ thực vật.

Tất cả những thành quả đó, không chỉ là nguồn lực đầu tư, mà còn có cả tâm huyết của chủ trang trại, với quyết tâm đưa nông nghiệp công nghệ cao lên một tầm mới ở mảnh đất nắng gió này.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, những năm qua, ngoài thanh long là cây trồng chủ lực của huyện, địa phương cũng khuyến khích phát triển những loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận cao. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn đã có nhiều loại cây trồng mới như dưa lưới, nho… Từ đó tạo thế phát triển cho ngành nông nghiệp đa sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, Hàm Thuận Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nhiều loại nông sản. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện đã có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, tập trung phát triển 3 trụ cột, gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid- 19, khiến du lịch tỉnh nhà đang bị đóng băng. Thế kiềng “3 chân” của kinh tế Bình Thuận thời điểm này chỉ còn “2 chân” là công nghiệp và nông nghiệp. Bình Thuận hiện có hơn 677.000 ha đất nông nghiệp. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dựa vào những chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, nông nghiệp vẫn luôn là chỗ dựa kinh tế cho nông dân bám trụ, từ xóa đói giảm nghèo, đến làm giàu, điển hình như sự phát triển của cây thanh long Bình Thuận...

Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/TU ngày 11/1/2017 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1300/KH-UBND ngày 12/4/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định 939/QĐ-UBND ngày 11/4/2018, ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018 – 2020.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách “tam nông”, nâng tầm nông nghiệp