Khó khăn tìm việc
Hiện tượng làm trái ngành nghề với chuyên môn được đào tạo ở nhà trường có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể nhìn thấy, việc chọn ngành nghề để đang ký thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng của học sinh phổ thông. Nhiều học sinh đến lớp 12 vẫn chưa biết chọn ngành nghề gì cho tương lai, không xác định được việc phát huy khả năng của chính bản thân mình, xuất hiện tâm lý do dự trước ngã rẽ từ giã tuổi học trò chuẩn bị vào đời, nên thường nghe theo sự rủ rê của bạn, hoặc chỉ âm thầm thực hiện theo sự ép buộc của cha mẹ, nộp đơn thi vào những trường, những ngành không đúng với sở trường vốn có của bản thân. Mặt khác, nhiều em tốt nghiệp ra trường đi xin việc, nhưng ngành nghề theo đuổi học tập để ra làm việc không có nhu cầu, bởi những nơi các em đến dư thừa chỉ tiêu về người lao động, buộc phải chạy đi tìm việc trái với chuyên môn được đào tạo. Hiện tượng này còn là nguyên nhân trong việc tuyển sinh. Thực tế những năm qua, nhiều ngành nghề đang có hiện tượng dư thừa lao động, nhưng một số trường đại học, cao đẳng hàng năm vẫn tiếp tục tuyển sinh với chỉ tiêu không thấp. Cũng có trường mở một số khoa, như khoa tâm lý giáo dục, đào tạo sinh viên tốt nghiệp ra trường để đi dạy, nhưng ở trường phổ thông chưa có bộ môn này, nên họ không được tuyển dụng – mặc dù trường phổ thông có nhu cầu rất lớn biên chế giáo viên có chuyên môn tư vấn tâm lý học đường.
Gợi ý khi chọn nghề để học
Về chuyện này, TS. tâm lý học Trần Văn Tính, ĐHQGHN, giới thiệu với tôi bài nói chuyện những dự báo về việc chọn nghề của học sinh trong thời đại công nghệ 4.0 có thể làm thay đổi rất lớn thế giới nghề nghiệp ở tương lai. Người ta áp dụng thành quả công nghệ trí tuệ nhân tạo để điều hành công việc có hiệu quả gấp nhiều lần so với những hoạt động thủ công truyền thống xưa nay. Từ đó sẽ có những nghề bị thay thế bởi công nghệ kỹ thuật số, vật liệu công nghệ mới, công nghệ nano, vạn vật kết nối, công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y dược, thủy sản; về lĩnh vực vật lý có robot thế hệ mới, máy in 3D… trí tuệ nhân tạo làm việc trong mọi điều kiện không gian và thời gian, đầu tư ít mà hiệu quả cao. Dựa trên thực tế, TS chia sẻ, có 5 nghề chịu ảnh hưởng chi phối rất lớn bởi công nghệ 4.0 có thể dần thay thế rất nhiều nhân viên trong tương lai, để học sinh tham khảo biết trước khi quyết định chọn nghề.
Nghề kế toán, nghề này trong giao dịch xuất hiện chủ yếu là cách giao dịch điện tử, sử dụng trí tuệ nhân tạo thực hiện giao dịch chính xác hơn con người. Vì hiệu quả công việc, có thể thay thế rất nhiều nhân viên làm việc thủ công, nếu cần, công ty chỉ tuyển chọn một số nhân viên kế toán giỏi, có trình cao.
Nghề luật sư, cứ nghĩ đây là nghề làm việc giữa con người với con người, không thể thay thế được, nhưng thực tế sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong vài giây người cần tư vấn sẽ nhận được tư vấn luật một cách chính xác cao. Con người có thể hỏi tư vấn luật ở mọi không gian thời gian, sẽ nhận được các thông tin chuyển đổi số hóa cung cấp cho người cần tư vấn một cách đầy đủ nhờ AI(*). Nghề luật sư cũng là nghề khó khăn sau này, nếu không phải là luật sư rất giỏi về chuyên môn.
Nhân viên thu ngân trong siêu thị. Xã hội ngày càng hiện đại là một xã hội không tiền mặt, sử dụng bằng các loại thẻ thanh toán, thanh toán tiếp xúc, chỉ nhận diện qua khuôn mặt. Các quầy thu ngân tự động sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong các siêu thị để giảm việc trả tiền thuê nhân viên.
Nhân viên ngân hàng. Khi ngân hàng phát triển, công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho các công việc, hoạt động vay tiền, trả tiền được tự động hóa rất cao. Sự giao dịch càng ngày càng nhiều, nhưng số người đến ngân hàng càng ngày càng giảm, nhu cầu sử dụng nhân viên ngân hàng ngày càng ít đi.
Nhân viên điều phối taxi. Nếu trước đây một hãng taxi truyền thống ra đời, họ cần đủ số nhân viên để điều phối xe taxi của hãng. Đến nay các hãng taxi công nghệ ra đời ngày càng nhiều, phục vụ số lượng rất lớn khách hàng, nhưng việc điều phối họ dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo không cần nhiều nhân lực, lại rất chính xác, nếu sử dụng nhân viên điều phối taxi phải là những người thật giỏi mới sử dụng được công nghệ trong lĩnh vực điều phối.
(*) AI: Viết tắt của Artifical Intelligence - Trí thông minh nhân tạo.