Chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Đình Hòa |
“Học trường nào uy tín, ngành nào dễ đậu, ngành nào dễ xin việc làm, nghề nào lương cao…”. Đây là những câu hỏi được lặp lại rất nhiều lần trong bất cứ buổi tư vấn tuyển sinh nào. Nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều hay sinh viên trải qua năm thứ nhất, thứ hai đại học, cao đẳng mới phát hiện ngành học không phù hợp… Có nhiều lời giải cho nguyên nhân trên, nhưng theo chúng tôi xuất phát sâu xa nhất vẫn là việc chuộng bằng cấp đại học.
Một xã hội mà hầu như học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều phải vào học một trường đại học hay ít nhất là cao đẳng để “bằng bạn bằng bè”, để “nở mày nở mặt với dòng họ, với hàng xóm láng giềng”. Ngay cả những học sinh có học lực trung bình, yếu, không đủ chuẩn vào trường tốp giữa thì bằng mọi giá phải nộp học bạ vào học ở một ngành này, ngành kia. Người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Cha mẹ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để dốc sức lo việc học cho con. Nhưng có nên bằng mọi giá ép con phải hiện thực hóa giấc mơ của mình, khi mà con chỉ có thể học hết cấp 3.
Trong bất kỳ buổi tư vấn nào, các chuyên gia đều nhấn mạnh: Học sinh chọn ngành học, trường học cho mình trước hết dựa trên các tiêu chí: Khả năng, niềm đam mê, điều kiện xã hội, điều kiện tài chính. Nhưng có không ít học sinh phân trần với chúng tôi rằng: “Đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ sở trường của mình, trong khi đó ngành nghề thì phong phú nhưng không biết có phù hợp với bản thân, học xong có dễ kiếm việc làm hay không”.
Trước lo lắng trên của học sinh, đồng thời để các em có cái nhìn tích cực hơn khi đăng ký học các trường nghề, thiết nghĩ các trường học và giáo viên chủ nhiệm cần thay đổi cách tư vấn. Đó là thường xuyên cập nhật thông tin và hướng dẫn, giới thiệu cho học sinh tìm hiểu về cơ hội việc làm của một số ngành nghề, đặc biệt những ngành đang có nhu cầu lao động tại tỉnh. Mỗi giáo viên cần chủ động tìm hiểu về những ngành nghề được nhiều học sinh quan tâm để giải đáp thắc mắc giúp học sinh. Hay phối hợp tổ chức cho các em đến tham quan, tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo tại các trường cao đẳng nghề, nhà máy, khu công nghiệp. Tại đây, các em sẽ trực tiếp nghe sinh viên trường nghề nói về các nghề đào tạo; cơ chế và điều kiện làm việc của công nhân ở các công ty…
Từ ngày 1 - 20/4, học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký trước đó cho phù hợp. Thời gian để các em hoàn thành hồ sơ dự thi không còn nhiều, hy vọng với những nỗ lực tư vấn của các trường sẽ làm các em thay đổi nhận thức và quan niệm lựa chọn nghề nghiệp. Với những em học lực trung bình, sẽ chuyển hướng học nghề, thay vì tiếp tục theo đuổi giấc mơ vào các trường đại học mà mình không đủ khả năng.
T.Anh