2. Đến câu thơ:
“Đời biển mặn
Nước mắm ngọt như canh”…
Còn nhớ, năm 1967 lúc học lớp Đệ ngũ tại trường Phan Bội Châu, nhạc sĩ Phạm Duy cùng mấy ông “bạn Mỹ” trong đoàn du ca ra Phan Thiết biểu diễn tại trường. Họ mặc bộ bà ba đen, mang dép râu và hát những bài dân ca Việt. Cuối buổi diễn, một người Mỹ nói lời cảm ơn bằng giọng Việt lơ lớ rồi kết lại với 2 câu: “Nước mắm Phan Thiết ngon lắm / Con gái Phan Thiết đẹp lắm”.
Câu nói thứ nhất “Nước mắm Phan Thiết ngon lắm”, tôi tin chắc đó là câu Phạm Duy bày cho người Mỹ nói, cũng như bày cho người Mỹ biết ăn và biết cái ngon của nước mắm Việt Nam, mà tiêu biểu là nước mắm Phan Thiết (nó mang một giá trị văn hóa như mấy chục năm sau có vị Tổng thống Mỹ qua thăm Việt Nam và tìm ăn món bún chả Hà Nội). Còn câu nói thứ hai “Con gái Phan Thiết đẹp lắm”, tôi cũng tin chắc đó cũng do Phạm Duy bày, bởi ông đã từng có một mối tình đẹp nơi đất Phan Thành. Trong hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi lại:
“…tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn tàn thu của Văn Cao, tôi làm quen với một góa phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suối Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi …”.
Người nhạc sĩ tài hoa và đa tình ấy có cuộc đời “nổi trôi” từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, và ra tới trời Tây, đất Mỹ. Song đến cuối đời ông đã có một “Ngày trở về” với quê cha đất tổ, ăn nước mắm ngon của vùng đất Bà Rịa - Long Hải, Phan Thiết - Mũi Né, nơi những ngày đầu ông tham gia kháng chiến đánh Tây, ra chiến khu miền Đông trên ngọn núi Mây Tào, rồi lần hồi theo đường biển ra Phan Thiết - Mũi Né trở về đất Bắc “với rau muống luộc, với cà dầm tương”. Trong hồi ký ông đã ghi lại: “Nhớ tới bãi biển đêm trăng khi tôi hát bài Chiến sĩ Hải quân cho dân chài ở Mũi Né nghe. Thật là chuyện khôi hài vì bài hát “lính thủy hào hoa” này nói tới chuyện ra đi không vương thê nhi đâu có phù hợp với hoàn cảnh thực tế? Vậy mà dân chài Mũi Né vẫn khoái những câu: Toán chiến sĩ Hải quân ra khơi hôm nay…” (lúc bấy giờ làm gì có chiến sĩ Hải quân, khi cuộc kháng chiến bùng nổ lớn mạnh thì những chiếc ghe bầu Mũi Né mới tham gia vận chuyển lương thực, vũ khi trên chiến trường Liên khu V, thật là một thời lãng mạn cách mạng…). Đó là tư tưởng chuyển mình của người dân chài lưới, còn đây là sự chuyển mình dứt khoát của một tầng lớp trí thức, qua hồi ký Phạm Duy đã ghi lại buổi ông cùng với Văn Cao dự Đại hội văn hóa:
“…Nhưng tới khi một thi sĩ đóng vai trò “cán bộ văn nghệ” là Xuân Diệu đứng lên nói về một vấn đề gì đó và khởi đầu bằng câu:
- Thưa các đồng chí...
... thì tôi thấy một người gầy gò có cái cổ rất cao đang ngồi ở những hàng ghế đầu bỗng đứng phắt lên:
- Tôi không phải là đồng chí của các anh.
Người đó là Nguyễn Đức Quỳnh. Xuân Diệu chỉ có vẻ hơi lúng túng một chút rồi nhà thơ này gay gắt trả lời:
- Chúng tôi không cần những đồng chí như anh…”.
Xuân Diệu thì dứt khoát. Còn Phạm Duy thì lừng chừng trên “Con đường cái quan” và “Con đường tình ta đi”…
Sau giải phóng 30/4/1975, thống nhất đất nước, năm 1977 Xuân Diệu vào thăm Phan Thiết và khắc họa hình tượng của người Phan Thiết:
‘‘…Người Phan Thiết vạn chài
Sắc mắt tử khơi đến
Gió cứng tóc trên đầu
Tay vặn cùng sóng biển…”
Như chúng ta đã biết, Xuân Diệu rất rành về nước mắm bởi ông sinh ra và tuổi ấu thơ lớn lên ở Vạn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cũng là một vùng có nước mắm ngon nổi tiếng. Sau hàng chục năm về lại nơi này với “Đêm ngủ ở Tuy Phước” Xuân Diệu viết: “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ/Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh/ Thức những ngôi sao, thức những bóng cành/ Đêm quê hương thương cái hương của đất…Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển cứ nhắc/ Khi má anh sinh ra/ Anh đã thở hơi nước mắm của Vạn Gò Bồi…”. Nay vào Phan Thiết, Xuân Diệu không quên cái món ăn bình dân là ốc hương chấm nước mắm gừng hoặc chỉ là muối ớt và sau cùng là nước mắm ngon Phan Thiết:
“…Tôi vào chợ nhìn cá,
Về bạn thết ốc hương
…
Nước mắm Phan Thiết ngon
Nhớ hoài đầu lưỡi đậm…”.
Những người làm thơ ở Phan Thiết lớn lên sau này, may thay, vẫn còn nhớ tới quê mình có “nước mắm ngon Phan Thiết”. Như Vũ Huy Triệu có bài thơ “Nước mắm quê tôi”:
Quê tôi mưa nắng hai mùa
cho nên nước mắm chín vừa đủ thơm
mặn nồng đượm chút chiều hôm
nên màu nước mắm vàng rơm tuyệt vời
đừng chê nước mắm quê tôi
tôi vừa gom đủ biển trời vào đây…
Trong bài thơ “Nhịp biển” nhà thơ La Văn Tuân viết:
“…Xin cứ hình dung tôi có nước da ngăm
hong gió biển và nồng vị biển
mới sinh ra tôi đã khóc - tiếng khóc át cả tiếng sóng
mới sinh ra tôi đã cười- nét cười của mẹ…”
và trong một bài thơ khác, bài “Thành phố của tôi”:
“…Thành phố hình thành trong nắng gió
Tôi lớn lên hương biển tẩm thân mình
Có một buổi nhìn từ tháp cổ
Đất trời ngan ngát một màu xanh…”.
Còn Nguyễn Thị Liên Tâm bất chợt có cái nhìn ngả nghiêng... nghiêng ngả qua “Phan Thiết, mùi biển mặn”:
“… Tôi lang thang hít mùi thơm… im lặng
Bến Cồn Chà nghe đẫm mặn gót chân
Vạn Thủy Tú trầm ngâm, cất giữ những hồng ân
Những linh vật phiêu du từ biển…
Lại chợt nhớ về em, đứa con lạc loài
Đã đi qua nhiều lũy thành có khi êm ả
Có khi tươi thắm hoa hồng
Có khi phủ đầy gai góc
Cớ sao hồn cốt luôn khát thèm chi lạ
Vị mặn mòi của biển cả giữa trần ai
Em liếm mồ hôi trên cánh tay xa xứ trở về đây
Bất chợt tôi, nôn nao những ngọt ngào khôn tả
Bất chợt tôi… Ngả nghiêng… Nghiêng ngả…”
Những người làm thơ “có tuổi” ở Phan Thiết đã có nhiều nỗ lực trong diễn đạt “mùi vị quê hương”, cả nội dung lẫn hình thức, song nhìn chung vẫn mang hơi hướng của truyền thống cũ. Bỗng một ngày trong năm 2024, mọi người giật mình trước một bài thơ có 2 câu mở đầu:
Đời biển mặn
Nước mắm ngọt như canh
Đó là bài thơ “Người quê tôi” của Nguyễn Vũ An Hòa (ở phường Lac Đạo, Phan Thiết) tham dự cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I. Chúng ta cùng trầm tĩnh đọc nguyên văn bài thơ:
Đời biển mặn
Nước mắm ngọt như canh
Trời nắng hanh
Cơm chưa chạm răng
Dạ dày đã bỏng
Dân tôi sống
Với ông mặt trời nhằng nhẵng bám trên lưng
Chẳng dám nằm
Lấy đâu bóng râm cho trẻ con đi học
Vai gánh gồng
Không chỉ một đời.
Bọn trẻ chúng tôi
Đói, nhấp mùi cá tanh
Khát, ực hơi biển lạnh
Gầy nhẳng và gai góc
Như xương rồng vươn cành đến trời xanh
Mài ánh trăng nuôi bông hoa trắng
Mẹ cõng mặt trời thì con cõng mẹ
Cha vác cuộc đời, con sẽ vác cha
Ngày mà bông hoa kết quả
Cả nhà cùng no
Ngọt
Không chỉ một đời.
Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Đông Nam bộ và Tây nguyên - Trưởng ban giám khảo vòng chung khảo cuộc thi cho biết:
“Dấu ấn quan trọng nhất của Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I là phát hiện được những cây bút mới giàu tiềm năng, đặc biệt là tác giả được trao giải nhất Nguyễn Vũ An Hòa ở Bình Thuận với hai bài thơ “Người quê tôi” và “Đá khóc”. Mới gần 30 tuổi, chưa hề xuất hiện trên thi đàn, nên khi cái tên Nguyễn Vũ An Hòa được xướng lên, cả khán phòng đều ngơ ngác, ngay cả những văn nghệ sĩ của Bình Thuận cũng chưa biết tên biết mặt.
Nguyễn Vũ An Hòa cho biết bài thơ “Người quê tôi” được viết từ hình ảnh của người cha làm thợ hồ vất vả ở miền biển quê hương. Từ một con người cụ thể bài thơ khái quát đời sống của nhiều số phận người dân ven biển bao thế hệ đầy xúc động: “Bọn trẻ chúng tôi/ Đói, nhấp mùi cá tanh/ Khát, ực hơi biển lạnh/ Gầy nhẳng và gai góc/ Như xương rồng vươn cành đến trời xanh/ Mài ánh nắng nuôi bông hoa trắng/ Mẹ cõng mặt trời thì con cõng mẹ/ Cha vác cuộc đời, con sẽ vác cha/ Ngày mà bông hoa kết quả/ Cả nhà cùng no/ Ngọt/ Không chỉ một đời”.
Bài thơ được viết một cách tự nhiên như bật ra từ tâm thức khi xúc cảm dâng trào. Nhưng vẫn rất điêu luyện. Cái điêu luyện không phải do cố ý làm dáng bằng kỹ thuật mà nó cũng tự nhiên “Như xương rồng vươn cành đến trời xanh/ Mài ánh nắng nuôi bông hoa trắng” nên thơ và độc đáo…
Nguyễn Vũ An Hòa đã trở thành những nhân tố mới giàu triển vọng ở quê hương “Chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá mòi” Phan Thiết.
Ghi chép: VÕ NGỌC VĂN