Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất quân bên gốc đa Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, tháng 8-1945. Nguồn ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người để lại Di chúc (bản viết bổ sung vào tháng 5-1968) và căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Trong quá trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nhiều nước trên thế giới và trở thành người chiến sĩ cộng sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã mở lớp huấn luyện các thanh niên Việt Nam yêu nước, đào tạo họ trở thành hạt nhân gây dựng phong trào cách mạng, tạo tiền đề để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chọn hang Cốc Bó, (thôn Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi ở và làm việc. Tại đây, vào tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, đề ra nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh lịch sử của đất nước ta, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, tiến hành xây dựng các khu căn cứ cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh, báo cáo tình hình về phong trào cách mạng của 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương của Liên Tỉnh ủy, Bác đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Bác đề nghị thêm vào hai chữ “Tuyên truyền” cho đúng với nhiệm vụ hiện tại tức là “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”.
Trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đích thân Người viết. Trong đó Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Bản chỉ thị tuy ngắn gọn nhưng có ý nghĩa như một văn kiện mang tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối, phương châm hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay), đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ và ghi lại) Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm có 34 đồng chí đầu tiên tham gia được lựa chọn trong những Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, những đồng chí trung kiên nhất. Đội trưởng của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đồng chí Hoàng Sâm, Chính trị viên là đồng chí Xích Thắng, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội do các đồng chí Thu Sơn, Mậu (tức Bế Văn Sắt) và Xuân Trường làm Tiểu đội trưởng.
Tuy lực lượng ít và vũ khí còn thô sơ (2 súng thập, 17 súng trường giáp năm, giáp ba, một số súng kíp, súng hỏa mai…) nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong vòng một tháng sau khi thành lập phải hoạt động” và “trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Đội đã đánh thắng hai trận liên tiếp: trận ở đồn Phai Khắt (25/12/1944) và trận đồn Nà Ngần (26/12/1944). Sau thắng lợi, Đội tiếp tục đặt kế hoạch mở rộng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang, đề ra biện pháp phát triển công tác vũ trang tuyên truyền.
Có thể thấy, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời mở ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự ra đời và phát triển của Đội gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đội trở thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.
76 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam ta đã lập được những chiến công vang dội. Với những ý nghĩa đó, ngày 22/12 hàng năm được chọn là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta luôn luôn gắn bó với nhân dân, là đội quân từ nhân dân mà ra, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng với khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thu Lan