Phật tử trang trí chuẩn bị đón Đại lễ Phật đản. |
Khai sơ
Mặc dù vừa được xây mới, nhưng chùa Bình Phú vẫn giữ được kiến trúc mái ngói, những gian nhà gỗ mang phong cách cổ xưa. Trụ trì chùa - thầy Thích Bổn Quốc, dẫn tôi tham quan khuôn viên gồm có khu chánh điện, gian giữa thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca và nhiều pho tượng khác như tượng Đức Bổn Sư khất thực, tượng Đức Bổn Sư nhập niết bàn. Phía sau chánh điện là nhà Tổ, nhà tăng…
Qua lời kể thầy Thích Bổn Đức, chùa Bình Phú được Thiền Sư Thừa Tiêu khai sơ sáng lập vào khoảng năm 1940. Sau khi Thiền sư rời khỏi, chùa do một người có dáng thấp lùn trông coi chùa nên người dân nơi đây hay gọi thầy Lùn. Lúc bấy giờ thực dân Pháp đóng đồn tại đình làng Phú Hội, chùa bị đốt cháy rụi chỉ còn khu đất trống bỏ không từ năm 1946 - 1954. Đến năm 1956, khi ấy, ông Nguyễn Nhơn Tâm pháp danh Tâm Đăng đề xuất trùng tu chùa và chùa được khởi công xây dựng. 1 năm sau đó thì hoàn thành và đặt hiệu là chùa Bình Phú đến ngày nay. “Vào năm 2007, thầy về chùa và đề xuất Ban hộ tự xây tháp vọng tưởng niệm ngài Thừa Tiêu được đồng ý. Do xây dựng khá lâu nên chùa xuống cấp, phật tử về tụ tập rất đông, chùa được các phật tử trong và ngoài tỉnh góp công xây mới vào năm 2015”, thầy Thích Bổn Quốc cho biết thêm.
Người sáng lập
Nói về người sáng lập chùa, theo lược sử chùa Thiền sư Thừa Tiêu tên thật Trần Tiêu, tên tự Huyền Am quê ở Quảng Bình là trí thức yêu nước thời bấy giờ. Ông từng tham gia viết báo cho tờ “Tiếng Dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng, và báo tiếng Pháp L’Indochine francaise (báo Đông Pháp). Trước khi theo đạo Phật, ông sáng tác rất nhiều thơ văn, lúc còn trẻ ông có một tập thơ chữ Hán mang tên “Huyền Am Thi tập”. Tuy nhiên, hồi ông hoạt động trong phong trào cứu quốc Phan Bội Châu nên tác phẩm và nhiều sách báo của ông bị tịch thu và tiêu hủy. Trong thời gian ở Bình Thuận ông được đông đảo người yêu thơ bầu làm Trưởng xã thi xã Liên Thành (Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ) của thị xã Phan Thiết.
Thuở nhỏ, ông được song thân cho học chữ Nho, lớn lên được gần gũi cụ Phan Bội Châu, do đó ông sớm có tinh thần yêu nước thương dân. Sau nhiều năm lăn lộn với các phong trào yêu nước, ông bị bắt giam, tra tấn, tù đày. Năm 1923, triều đình Huế đày ông vào Bình Thuận với danh nghĩa làm Thừa phái nên người đời gọi là Thừa Tiêu. Việc làm quan đối với ông là “vạn bất đắc dĩ”. Ngay trong ngày đầu nhận chức ông đã tuyên bố thẳng bằng câu thơ hùng hồn:
“Hết đường sinh kế phải làm quan
Còn việc làm người mới khó toan”.
Những ngày làm quan ông luôn tìm cách xử lý công việc rất có tình người, hết lòng bênh vực người nghèo nên lúc bấy giờ nhiều người dân lao động Bình Thuận yêu quý, ngưỡng mộ tôn ông là quan thanh liêm. Trong thời gian làm quan, ông cùng với các cư sĩ Bình Thuận lập ra Hội Phật học Bình Thuận góp công xây chùa Tỉnh Hội (nay là chùa Phật Ân, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận). Đến năm 1942, theo lời kể lại, ông được một Thiền sư ở Phú Yên truyền trao phương pháp hành thiền, đồng thời chán nản cảnh làm quan, nghiệm được lẽ vô thường, luân hồi sanh tử, muốn tìm cho mình một lối thoát và từ đó xuất trần đã thôi ông tìm được giải thoát. Ông từ quan, từ giã gia đình đến thôn Phú Nhang lập một ngôi chùa nhỏ bằng tranh, sườn gỗ vách đất quét vôi đặt tên Huyền An Tự để làm nơi tu học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, ở chùa không lâu ông lên núi Ông (Tánh Linh) để thiền định từ đó không ai còn gặp ông nữa mà chỉ nghe giai thoại về ông. Nhiều người còn tìm thấy thơ ông khắc trên vách đá núi Ông.
Qua thăng trầm thời gian, chùa Bình Phú hôm nay được xây dựng kiên cố, phật tử về khá đông. Trong không khí vui mừng Đại lễ Phật đản, chùa Bình Phú rộn ràng hơn ngày thường. Trụ trì Thích Bổn Quốc cùng với các phật tử trang trí hoa, cờ phướn... mỗi người một tay hăng hái chuẩn bị các hoạt động mừng đại lễ. Thầy Thích Bổn Quốc chia sẻ: “Ngoài là nơi tu hành, từ nguồn đóng góp của các phật tử chùa thường xuyên phát quà cho người nghèo vào dịp lễ, tết; tặng quà trung thu cho trẻ nhỏ tại địa phương. Tại lễ Phật đản năm nay sẽ phát 150 phần quà gồm gạo, mì tôm… cho người nghèo”. Ngày nay, các vị cao niên ở xã vẫn còn nhớ về ông Tiêu, các phật tử đến chùa vẫn có người thuộc những bài thơ do ông sáng tác như “Tiếng nhiệm mầu”, “Thập thủ liên hoàn”… như tưởng nhớ về bậc xuất trần thượng sĩ ngày ấy.
Thanh Duyên