Du lịch của Phú Quý tăng mạnh, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay. Các tàu chở khách từ Phan Thiết ra đảo luôn trong tình trạng “cháy” vé, thậm chí các tàu cao tốc chạy tuyến này thường xuyên phải tăng chuyến trong những ngày cuối tuần. Trong khi đó, nhà nghỉ, khách sạn hiếm khi còn phòng trống trong những dịp lễ hay ngày nghỉ. Sức hút của Phú Quý ngoài vẻ đẹp hoang sơ, còn có những loại hình du lịch đầy hấp dẫn như, dịch vụ tham quan ăn uống trên các lồng bè; đi thuyền, cano qua đảo Hòn Tranh tắm biển, câu cá lặn ngắm san hô... Tuy nhiên, sự phát triển này luôn đi kèm nguy cơ rủi ro về an toàn cho du khách, khi các loại hình du lịch trên mới phát triển ở huyện, nên các dịch vụ phục vụ đi kèm hầu hết là tự phát. Vì vậy, trước cơ hội chuyển mình, thì vấn đề đảm bảo an toàn đối với du khách, khi tham gia các hoạt động tham quan cũng là một vấn đề đặt ra.
Các hoạt động từ biển đang ngày càng thu hút khách đến với Phú Quý. |
Tại Phú Quý hiện có 59 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè, với tổng diện tích 7.248 m2. Đây không chỉ là một mô hình phát triển kinh tế về nuôi trồng của người dân mà còn là điểm nhấn trong thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 13 đến 15 phương tiện thường xuyên tham gia chở khách đi tham quan, nhưng trong đó chỉ có 4 phương tiện có đăng kiểm còn lại là thuyền tự phát của bà con ngư dân đưa vào hoạt động.
Ông Bùi Thế Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước đây khi nhu cầu chưa lớn, chưa thường xuyên, ít người nghĩ đến chuyện đăng ký, đăng kiểm để hoạt động dịch vụ đưa đón khách. Nhưng nay khi dịch vụ này phát triển ngày càng mạnh, thì việc đưa vào quản lý là cần thiết. Để thực hiện tốt công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này, hiện nay địa phương đã yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động của các lồng bè. Yêu cầu chủ lồng bè phải tự gia cố phao, neo và kết cấu cho đảm bảo an toàn; có phương tiện, công cụ đảm bảo cứu nạn, cứu hộ cho người trên biển.
Đồng thời, chủ lồng bè phải đăng ký với chính quyền địa phương về số lượng người tối đa được phục vụ trên lồng bè (mỗi người phải đạt tối thiểu diện tích 1,5 m2) và chỉ được hoạt động từ 6h đến 17h hàng ngày. Trên lồng bè phải được trang bị, tổ chức phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra để đảm bảo môi trường, chủ lồng bè phải tự lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam và phải hoàn thành việc này trước ngày 1/6/2019. Lồng bè phải có thùng chứa rác và rác này phải được đưa vào bờ để xử lý.
Du khách tham quan, ăn uống trên lồng bè. |
Đối với các phương tiện chở khách từ bờ ra bè và ngược lại, huyện cũng yêu cầu đến tháng 10 năm nay, phải được đầu tư đóng mới, được đăng kiểm và đăng ký mới được hoạt động. Riêng từ nay đến tháng 10, để đáp ứng nhu cầu du lịch của địa phương, nhất là trong dịp lễ 30/4 và 1/5 này, các tàu hiện nay vẫn được chở khách, nhưng chỉ được chở dưới 5 người và phải mặc áo phao mới được hoạt động. Huyện cũng sẽ thành lập một chốt trực đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực đón khách ra bè, đồng thời giao cho cơ quan chức năng thành lập đội cứu hộ, cứu nạn tại đây, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đối với các phương tiện chở khách cách đi tham quan các đảo, lặn ngắm san hô, huyện Phú Quý đã yêu cầu các phương tiện đều phải được đăng kiểm, đăng ký trong thời gian tới.
Được biết, đầu tháng 5 này, huyện sẽ tổ chức họp với tất cả các chủ phương tiện có hoạt động đưa đón khách ở trên biển để chấn chỉnh hoạt động và thống báo những quy định này. Ngoài ra, huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức một lớp dạy bằng lái canô và lái thuyền loại nhỏ, để đảm bảo sao cho đến tháng 10 năm 2019, tất cả các tàu thuyền đều phải đạt chuẩn an toàn. Qua đó phục vụ ngành du lịch của huyện phát triển một cách bền vững.
Đình Nhượng