Theo dõi trên

Chuyện con tàu cổ Trung Quốc bị đắm ở   biển Bình Thuận

02/08/2024, 05:09

Chiếc tàu buôn của người Trung Quốc bị đắm ở biển Bình Thuận do ngư dân xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong phát hiện khi đang đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển phía nam ở tọa độ 10o33'30''N - 108o35'55''E; độ sâu từ 39 – 40 m.

Ngày 29/4/2001, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra và phát hiện một số tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu và trục vớt đồ vật trong con tàu đắm. Qua kiểm tra, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện nhiều giỏ cần xé chứa đầy đồ gốm sứ và đồ dùng của thủy thủ đoàn trong xác con tàu đắm. Lập tức toàn bộ việc trục vớt của ngư dân bị ngưng lại. Tất cả tàu thuyền và số đồ trục vớt được đưa vào bờ. Riêng đồ trục vớt chuyển về trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hiện trường nơi con tàu cổ bị đắm được bảo vệ nghiêm ngặt.

tau-chim-1-.jpg.jpg
Cổ vật trục vớt trái phép bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ.

Sáng 1/5/2001 đang nghỉ lễ, tôi được Thượng tá Lê Văn Long, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh mời lên trụ sở nói là nhờ chút việc. Tôi được dẫn vào kho chứa đồ vừa tịch thu của ngư dân Hòa Phú mấy hôm trước. Trong bóng tối mờ mờ, hàng chục giỏ cần xé hiện ra với các loại đồ gốm sứ, xen lẫn bùn đất và mùi hôi do khi vớt lên ngư dân chưa kịp rửa sạch.

Tại đây, Thượng tá Lê Văn Long hỏi tôi: đây có phải cổ vật không và niên đại, giá trị ra sao. Nếu không phải sẽ trả lại cho ngư dân. Tôi nói cần phải có hội ý với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thông tin (VHTT). Ông Long nói việc rất gấp, với lại đang là ngày nghỉ lễ không thể chờ được. Sau khi xem hết toàn bộ đồ trục vớt, tôi xác định tất cả đều là cổ vật và có giá trị về lịch sử giao thương của Trung Quốc, giá trị kinh tế cao và niên đại khoảng thế kỷ XVI, XVII. Chỉ cần vậy, tất cả đồ gốm sứ do ngư dân xã Hòa Phú trục vớt bị tịch thu vì vi phạm Luật Di sản văn hóa của Nhà nước.

Khoảng sau một tuần khi nghe báo cáo, Bộ VHTT cử một đoàn chuyên gia về gốm sứ trong Hội đồng giám định cổ vật quốc gia vào Bình Thuận để giám định số cổ vật tịch thu để làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu và khai quật con tàu đắm. Trên kết quả đó, Sở VHTT đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTT, UBND tỉnh và kiến nghị các phương án bảo vệ, khảo sát hiện trường.

tau-chim-2-.jpg
Cổ vật khai quật trong con tàu đắm.

Sau đó Bộ VHTT, UBND tỉnh Bình Thuận, Sở VHTT đã phối hợp với Xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ (Visal) và Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 3 đợt khảo sát thăm dò vị trí, hiện trạng và các tham số khác như độ sâu, dòng chảy, hướng gió… phục vụ việc nghiên cứu khai quật khảo cổ học.

Kết quả khảo sát cho biết: Con tàu đắm được đóng bằng gỗ, hàng thế kỷ bị vùi dưới nước nhưng còn giữ được hình dạng với chiều dài 23,4 m chiều rộng 7,2 m, được đóng chắc chắn với kết cấu 25 khoang. Tàu nằm ở độ sâu 39 – 40 m. Việc khảo sát đã giúp chuẩn bị phương tiện và các phương án khai quật, vận chuyển, xây kho chứa… nhưng do vào giữa mùa gió, bão nên không thể khai quật được mà hoãn lại, chờ thời tiết thuận lợi. Trong thời gian chờ đợi Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn canh gác bảo vệ tọa độ con tàu đắm.

Thời gian thực hiện cuộc khai quật bắt đầu từ ngày 14/9/2002. Phía đối tác Visal thuê 20 thợ lặn, một số kỹ thuật viên, trợ lý kỹ thuật khai quật dưới nước người Úc TS. Michael Flecker và điều tàu Đại Lãnh có công suất 4.800 mã lực phục vụ việc khai quật. Trên tàu đã được chuẩn bị đầy đủ các phương tiện lặn hiện đại, như phòng điều hành khai quật, kho chứa hiện vật khai quật được và phương tiện xử lý sơ bộ.

Khi tàu Đại Lãnh định vị xong, việc khai quật được tiến hành. Mỗi ngày có 8 ca lặn, mỗi ca 2 người với phương tiện máy móc. Khi đồ lặn vận vào người, trông họ như những con ếch khổng lồ trong các câu chuyện thần thoại.

Mỗi lần thay ca, từ độ sâu 40 m lên đến mặt biển, thợ lặn phải ngồi trong buồng giảm áp, buồng này dừng lại ở những độ sâu khác nhau cho đến khi lên tàu nghỉ ngơi, thay ca lặn khác. Tranh thủ những ngày biển lặng việc khai quật tiến hành đều đặn. Khi có dấu hiệu từ những người thợ lặn bên dưới, từng thùng nhựa đủ màu chứa cổ vật được tàu Đại Lãnh cẩu lên boong tàu. Trên tàu cũng có nhiều người thay ca, kíp rửa bùn, đất, phân loại và đóng vào giỏ nhựa có kẹp chì niêm phong trước khi cho vào kho trước khi chuyển vào bờ.

Cuộc khai quật bắt đầu từ ngày 14/9/2002 và kết thúc vào ngày 23/10/2002. Cứ khoảng từ 8.000 - 12.000 hiện vật thì tàu của Bộ đội Biên phòng Bình Thuận ra tiếp nhận và vận chuyển về kho Bảo tàng. Toàn đợt khai quật có tất cả 6 chuyến hàng đưa từ công trường khai quật về kho Bảo tàng với hơn 60.000 hiện vật. Chưa kể số đồ bể làm cơ sở nghiên cứu và hàng ngàn hiện vật khác bị rơi ra ngoài khi con tàu chìm dần và bị sóng biển làm phân tán ra ngoài thân tàu. Trong số này chủ yếu là hiện vật gốm sứ mang đặc điểm của đồ gốm sứ sản xuất ở khu vực lò Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến như các loại đĩa tô, bát, lọ, hộp… và lò gốm Sơn Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) như các loại hũ, lọ men nâu đen… Đồ dùng của thủy thủ đoàn trên tàu cũng được phát hiện nhiều thứ, trong đó có chiếc cân tiểu ly không biết làm bằng gỗ gì mà nằm dưới đáy biển cả 400 năm cán cân vẫn rõ nguyên từng khắc vạch.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã định được thời gian con tàu chìm vào khoảng thời Vạn lịch nhà Minh – Trung Quốc (năm 1573-1620). Xác con tàu và hàng hóa chở theo đã cung cấp nhiều nguồn thông tin về đồ sứ Trung Quốc, thương mại hàng hải và kết nối văn hóa với các nước Đông Nam Á. Những phát hiện trên tàu hé lộ cho chúng ta thấy loại hàng hóa nào được giao dịch qua các tuyến đường biển băng qua Việt Nam đến các nước trong khu vực, cũng như lối sống và văn hóa thời đó thông qua hàng hóa gốm sứ và chức năng của chúng.

Nhiều nghiên cứu khoa học, định đoán về tên con tàu và chủ sở hữu, hoàn cảnh bị đắm, số phận thủy thủ đoàn ra sao… Đến nay cũng khó xác định danh tính chính xác của tàu, chỉ biết đích xác đây là một con tàu buôn chở gốm sứ đến các nước Đông Nam Á vòng qua biển Việt Nam. Số phận thủy thủ đoàn không biết ra sao khi tàu chìm do bão hay đá ngầm, hoặc bị hỏa hoạn.

Dù sao thì khi tàu chìm, ngoài xác tàu còn đem theo khối lượng hàng hóa gốm sứ khổng lồ tạo nên một gò, rạn lý tưởng rộng hàng trăm mét vuông tạo bóng mát làm nơi trú ẩn, sinh sản cho các loài cá, mực. Nhờ đống gò, rạn nhân tạo này nên lắm cá, mực trú ngụ mà ngư dân xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong mới phát hiện được chiếc tàu đắm khi đánh bắt ở đây. Thật là trớ trêu khi tai nạn thương tâm xảy ra vào thế kỷ XVII đã mang đến một vận may về câu chuyện văn hóa.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thiếu quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa tại TP. Phan Thiết
Với vị trí là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, TP.Phan Thiết có nhiều lợi thế trong việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bên cạnh những lợi thế, thì khó khăn lớn nhất thành phố đang vướng phải là nguồn quỹ đất.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện con tàu cổ Trung Quốc bị đắm ở   biển Bình Thuận