Cũng cùng cảnh ngộ với người chăn nuôi trên cả nước trước tình trạng giá heo xuống thấp kỷ lục, Huy Khiêm không phải là xã có nhiều trang trại chăn nuôi với đàn heo hàng trăm nghìn con như các nơi khác. Nhưng giá heo giảm lại ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người dân trong xã. Huy Khiêm có gần 2.100 hộ, hầu như toàn bộ đều gắn với ruộng rẫy và chăn nuôi. Nuôi heo chính là cách làm kinh tế gia đình vừa mang lại thu nhập vừa tạo công ăn việc làm, tận dụng thức ăn dư thừa, rau cỏ quanh vườn. Cứ tính bình quân 80% hộ nuôi heo, mỗi hộ nuôi năm bảy con thì đàn heo trong xã cũng trên dưới 10 nghìn con. Nhưng Huy Khiêm lại không phải trọng điểm nằm trong chiến dịch “giải cứu” đàn heo mấy tháng qua. Còn bán cho thương lái thì bị ép giá, thậm chí chê không thèm mua. Bà con phải tự nghĩ cách cứu lấy mình.
Anh Phạm Nhuận, người thôn 4, Huy Khiêm gặp tôi trong bữa tiệc nhà mới của người bạn, trông đĩa thịt vừa dọn ra chưa kịp bày lên bàn, anh trợn mắt nhìn tôi rồi cười nói: “Cả tháng nay ngày nào cũng thịt heo, hết heo mì quảng, heo cuốn bánh tráng đến heo luộc, heo kho… bây giờ nghe hơi thôi đã ớn!”. Tôi hỏi anh: “Làm gì mà ăn thịt heo nhiều vậy?”. Anh cười: “Cả xã nhà nào cũng ăn vậy, thịt heo khuyến mãi bạn ơi, rẻ òm, 100.000 đồng 3 ký còn tặng thêm mớ lòng tươi rói!”. “Vậy thì tốt chớ sao, thịt sạch, thịt tươi, giá rẻ còn gì bằng!”. Biết tôi chưa hiểu ra hết ngọn nguồn sự việc, anh giải thích. “Heo trong xóm trong thôn nhà nào cũng có, bán cho thương lái khi được khi không, giá lại thấp, ngược lại ra chợ mua ăn giá đội trên trời, thôi thì nhà nào nhà nấy thay phiên nhau tự mổ, bán khuyến mãi cho bà con mình ăn phải sướng hơn không. Hôm nay tôi mổ, anh mua, ngày mai anh mổ tôi mua, lòng vòng cả tháng ăn thịt heo “vần đổi công” hỏi sao không ớn!”
Thì ra vậy, tôi nói với anh: “Một cách làm hay mình tự giải cứu lấy mình, với lại đâu phải nơi nào cũng làm được, đây là sự sẻ chia trong tình nghĩa xóm làng. Đúng là ngày này qua tháng nọ, ngày nào cũng thịt heo ớn thật, nhưng vui thôi, cả xã này đều vậy, coi như ăn bù chờ mai mốt giá heo lên”. Anh cười khà khà: “Huy Khiêm năm nay gặp hạn, giá hạt tiêu từ 180.000 đồng, 150.000 đồng một ký, bây giờ hạ xuống còn có 85.000 đồng/kg, nhưng bù lại, được ăn thịt heo giá rẻ có khuyến mãi của chính mình nuôi ra, sướng thật”.
Nghe cách anh đùa, tự nhiên tôi thấy lòng mình se lại, muốn cười cũng cười không nổi. Cầu mong sao giá cả thịt heo, hạt tiêu sớm phục hồi cho người nông dân bớt khổ.
GIA LINH