Võ sư Phạm Đình Trang - Chưởng môn phái Long Hổ Môn Võ Đạo. |
Sinh ra tại Quảng Ngãi, là 1 trong 4 vùng đất Nam - Nghĩa – Bình – Phú giàu truyền thống võ học, võ sư Phạm Đình Trang lại còn được may mắn sinh ra trong một gia đình, một dòng tộc có truyền thống võ thuật bậc nhất xứ Quảng. Ông tổ của võ sư Phạm Đình Trang là võ quan chánh lãnh binh Phạm Hầu - võ tướng vương triều Tây Sơn, nhiều lần đạt quán quân võ thuật vào các năm 1778 - 1780 do vua Quang Trung tổ chức cuộc thi võ để tuyển chọn nhân tài tại Bình Định. Ông nội là Võ quan Cửu phẩm Phạm Trinh - chánh tổng huyện Nghĩa hành - tỉnh Quảng Ngãi, là võ quan vương triều nhà Nguyễn, ông nổi tiếng là người thầy võ dùng tay không đánh cọp tại huyện Nghĩa Hành và cũng là người sáng lập ra môn phái Long Hổ Môn Võ Đạo vào năm 1920 tại Quảng Ngãi. Võ sư Phạm Đình Trang hiện là chưởng môn đời thứ III của môn phái này.
Sớm tiếp xúc với võ học, năm lên 6 tuổi, võ sư Phạm Đình Trang được chính người cha của mình truyền dạy căn bản võ học chân truyền của dòng tộc. Năm 15 tuổi, không may phụ thân qua đời. Mặc dù rất đau buồn, nhưng với ý chí sắt đá cùng với lòng quyết tâm duy trì truyền thống và tinh hoa võ học của dòng tộc, võ sư Phạm Đình Trang đã nén đi nỗi đau thương và tìm đến các vị danh sư võ thuật nổi tiếng Quảng Ngãi thời đó để “tầm sư học đạo”. Với sự nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ, chỉ sau 3 năm học tập, ông vừa thi đấu võ đài vừa được nhận làm trợ lý huấn luyện võ đường.
Từ sau khi đất nước thống nhất, võ sư Phạm Đình Trang chính thức truyền bá huấn luyện võ học chân truyền của dòng tộc họ Phạm và môn phái Long Hổ Môn Võ Đạo. Năm 1990, ông cùng gia đình đã chọn thị xã La Gi là quê hương thứ 2 để sinh sống và truyền dạy võ thuật cho đến bây giờ.
Sau gần 30 năm sinh sống và huấn luyện võ thuật tại quê hương La Gi, võ sư Phạm Đình Trang là người có công rất lớn với võ thuật tại đây. Minh chứng cụ thể là phong trào võ cổ truyền thị xã La Gi luôn đạt giải nhất toàn đoàn trong các giải võ thuật tỉnh Bình Thuận kể từ năm 1994 đến nay, và ông cũng đã đào tạo cho Bình Thuận gần 40 cử nhân võ cổ truyền Việt Nam. Riêng thị xã La Gi có 14 cử nhân võ cổ truyền Việt Nam và 1 tiến sĩ võ sư hiện là chủ nhiệm khoa võ cổ truyền đầu tiên của Việt Nam là anh Phạm Đình Quý cũng chính là con trai của võ sư Phạm Đình Trang.
Trải qua những thăng trầm của cuộc sống và võ nghiệp, ở độ tuổi 70, khi mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, hiện nay võ sư Phạm Đình Trang vẫn được tin tưởng được giao những chức vụ quan trọng khi là 1 trong 4 ủy viên điều hành cao cấp của Viện Võ học Việt Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn truyền bá võ học Việt Nam; Phó Giám đốc Trung tâm phát triển y võ dưỡng sinh viên võ học Việt Nam; Trưởng Đại diện Trung tâm Bảo tồn truyền bá võ học dân tộc khu vực miền Đông Nam bộ; giảng viên y võ dưỡng sinh viện võ học Việt Nam.
Võ sư Phạm Đình Trang tâm sự: “Tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời ông cũng như trước khi ông qua đời là sẽ đào tạo bộ môn võ cổ truyền cho nhiều đồ đệ, môn sinh, võ sinh hơn nữa”. Một đời dành hết tâm huyết và cống hiến cho võ học cổ truyền. Võ sư Phạm Đình Trang đã đào tạo nên hàng ngàn võ sinh của biết bao thế hệ, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển môn võ của dân tộc. Cho đến tận bây giờ, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn đều đặn đứng lớp cùng những đồ đệ của mình truyền dạy những tinh hoa của Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo cho hàng trăm võ sinh. Tại Tổ đường Long Hổ Môn Võ Đạo tọa lạc tại số nhà 749, đường Thống Nhất cũng là ngôi nhà của võ sư Phạm Đình Trang vẫn là nơi đều đặn hàng ngày trở thành điểm tập luyện của rất nhiều người yêu võ, trong đó có nhiều em võ sinh ở tận Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và nhiều huyện khác cũng lặn lội đường xa đến học.
Khi nhắc đến sự nghiệp võ thuật của mình, trong mắt vị võ sư này luôn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào bởi những thành quả đạt được từ sự “tôi luyện”. Và giờ đây, ông có thể tự hào khi bản thân ông đã đạt được 200 huy chương các loại ở các bộ môn mà ông huấn luyện. Dấu ấn lớn nhất của ông là Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 1996 tại Nghệ An. Ông từng góp phần để Bình Thuận đạt giải 3 toàn đoàn tại đại hội năm đó với 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng. Kỳ thi năm đó, bản thân ông vừa là huấn luyện viên trưởng và là vận động viên. Và một dấu mốc không thể nào quên, cũng là niềm tự hào lớn nhất trên con đường thi đấu võ thuật của đời mình là ông đã đạt huy chương vàng quyền thuật quốc gia tranh tài cùng 12 võ sư trên toàn quốc và chiếc huy chương vàng thế giới năm 2001 tại Chungju (Hàn Quốc) do con trai ông - tiến sĩ Phạm Đình quý đạt được. Với ông đó là chiếc huy chương vàng thế giới đầu tiên mà gia đình ông dành tặng cho quê hương Quảng Ngãi cũng như quê hương La Gi.
Cả một đời cống hiến cho môn võ của dân tộc, đào tạo nhiều thế hệ võ sinh, võ sư Phạm Đình Trang khiến cho nhiều học trò luôn yêu mến và nể phục bởi tài năng và đức độ của ông.
Võ sư Nguyễn Thị Ánh Thư – huấn luyện viên môn võ cổ truyền Việt Nam tâm sự: “Bản thân tôi xem võ sư Phạm Đình Trang là một người thầy cũng như một người cha, nhờ có ông đào tạo, huấn luyện nên bản thân, con và cháu tôi được truyền bá những tinh hoa của võ thuật Việt Nam”.
Võ học dân tộc Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc, đã trường tồn, phát triển, phát huy truyền thống tốt đẹp trên khắp mọi miền đất nước với hơn 4.000 năm lịch sử chống giặc ngoại xâm để dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vì thế những người võ sư cả một đời cống hiến cho võ học cổ truyền như võ sư Phạm Đình Trang thật đáng để chúng ta trân trọng và noi gương.
Từ năm 1991 đến năm 2005 là ủy viên của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, nhiệm kỳ I và II của đơn vị tỉnh Bình Thuận, từ năm 1991 đến năm 2004 giữ chức Trưởng ban chuyên môn võ thuật võ cổ truyền tỉnh Bình Thuận và được bầu chọn làm huấn luyện viên trưởng Bình Thuận từ năm 1992 đến năm 2004; Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật cổ truyền thị xã La Gi từ năm 1993 đến nay, các nhiệm kỳ I - II - III - IV - V. |
Rạng Đông