Theo dõi trên

Cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng”

15/04/2024, 08:23

BTO-Dự kiến trong quý II/2024, Đoàn thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam để đánh giá về công tác phòng, chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Đây được coi là cơ hội cuối cùng để thủy sản Việt Nam khắc phục những bất cập tồn tại trong suốt thời gian qua.

Chế tài xử lý chưa nghiêm khắc

Đợt làm việc lần thứ 4 của Đoàn thanh EC diễn ra từ ngày 10 đến ngày 18/10/2023, bao gồm các cuộc họp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nôn thôn và đi thực địa tại hai tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định. Qua đợt kiểm tra này, phía EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao của Việt Nam, đồng tình với Việt Nam rằng việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực. Vấn đề mấu chốt còn lại là EU băn khoăn công tác tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, cũng như việc xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-14-.jpg
Không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, không để tàu mất kết nối 10 ngày. Ảnh: Tư liệu.

Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Đoàn cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế, kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Theo đó, đoàn thanh tra của EC đề nghị Việt Nam tiếp tục kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, không để tàu mất kết nối 10 ngày, không để tàu "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép). Đoàn thanh tra của EC còn khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, các doanh nghiệp làm ăn phi pháp…

Cơ hội để gỡ “thẻ vàng” đã đến gần

Dự kiến trong quý II/2024, EC sẽ sang kiểm tra lần 5, và đây là cơ hội quyết định để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" khai thác thủy sản. Nếu không làm được, Việt Nam có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội, thậm chí có nguy cơ bị phạt "thẻ đỏ" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường quan trọng. Vì thế, nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" IUU đang cấp thiết hơn bao giờ hết và cần dồn sức thực hiện. Trong suốt nhiều năm qua, với nhiều cách thức khác nhau cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

  Để khắc phục tình trạng này, việc lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá khi khai thác trên biển là vấn đề then chốt, giúp cho lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các phương tiện vi phạm.

Thời gian qua, Bình Thuận đã rất quyết liệt triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Hiện nay, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm, kiên quyết đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời duy trì kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ phòng, chống khai thác IUU trên biển, chấn chỉnh các hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và theo dõi, quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài thả về để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tái phạm. Tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo quy định.

Tăng cường năng lực của đội tàu kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá. Kiểm soát 24/24 giờ đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS trên hệ thống giám sát tàu cá, đồng thời thông báo, nhắc nhở chủ tàu kịp thời khắc phục sự cố mất kết nối tín hiệu VMS khi hoạt động trên biển. Bên cạnh đó giám sát chặt chẽ số tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt VMS, cương quyết không cho xuất bến ra khơi hoạt động. Tăng cường kiểm soát IUU tại cảng cá, bến cá, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ chế biến xuất khẩu…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng người phụ nữ thời đại mới trong đoàn viên, người lao động
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Bình Thuận thời đại mới” giai đoạn 2024 - 2027 trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng”