Năm 2005, anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Nguyễn Thị Lợi gặp gỡ nhau qua lớp học chữ nổi braille do Hội Người mù Bình Thuận dạy miễn phí cho hội viên người mù trong toàn tỉnh. Thế nhưng, tình cảm của họ lúc bấy giờ chỉ đơn thuần là tình cảm giữa những người bạn cùng chung cảnh ngộ. Kết thúc khóa học chữ nổi, cả hai anh chị trở về La Gi và bắt đầu tìm cho mình những cơ hội mới để có được việc làm nuôi sống bản thân, thay đổi số phận… Lúc này, anh Tuấn đi học nghề massage ở tận Khánh Hòa – Nha Trang, còn chị Lợi được Hội Người mù thị xã La Gi giới thiệu cho đi học nghề massage miễn phí ở tỉnh Bình Thuận. Sau khi được học hành và đào tạo nghề bài bản, anh Tuấn và chị Lợi, mỗi người đều đi làm ở rất nhiều tỉnh, thành như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, TP. HCM… Đến năm 2012, họ tình cờ gặp lại nhau khi làm chung trong một cơ sở massage dành cho người mù ở Đà Nẵng. Cùng quê và đều mưu sinh ở xa nhà, cả hai nhanh chóng dành cho nhau sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu, từ đó tình yêu giữa họ đã nảy nở. Đến năm 2014 họ chính thức “kết bạn trăm năm”.
Vợ chồng anh Tuấn, chị Lợi luôn chia sẻ với nhau mọi công việc trong cuộc sống.
Sau khi kết hôn, họ quyết định dắt díu nhau về quê hương La Gi để sinh sống và lập nghiệp. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc vay vốn Nhà nước và mượn thêm tiền của người thân để mướn mặt bằng và mở một tiệm massage, xoa bóp, xông hơi… vừa để nuôi sống bản thân, vươn lên hòa nhập cộng đồng và tạo công ăn việc làm cho những người không may bị khiếm thị… Sau nhiều khó khăn và nỗ lực, vào năm 2016, cơ sở massage, xoa bóp, xông hơi Quốc Tuấn tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, khu phố 3, phường Bình Tân do vợ chồng anh Tuấn mở cũng đã ra đời… Với sự nhiệt tình và thành thạo trong nghề massage, mỗi tháng trung bình có từ 150 – 200 lượt khách đến cơ sở của vợ chồng anh Tuấn để được xông hơi, massage và thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc. Nhờ đó, anh chị đã có nguồn thu nhập ổn định lo cho gia đình và con cái cùng với tiền lương cho nhân viên.
Anh Tuấn massage cho khách
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn và chị Lợi đều cho biết: “Có những lúc anh, chị cảm thấy khó khăn đến cùng cực bắt nguồn sự khó khăn ở kinh tế khi những ngày đầu bắt tay vào làm việc, mọi chi phí anh chị đều phải vay mượn, nhưng lúc nào hai vợ chồng cũng động viên lẫn nhau, nhờ đó những nỗi cơ cực trong cuộc sống cũng vơi đi phần nào và đời sống gia đình ngày càng cải thiện hơn nhờ sự thương yêu, “đồng vợ đồng chồng”.
Tuy cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía truớc, nhưng với bản tính cần cù và khát vọng vươn lên trong nghịch cảnh. Vợ chồng anh Tuấn, chị Lợi đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc mà nhiều người phải khâm phục và ngưỡng mộ. Chính những con người như anh, chị đã viết nên những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”.