Hút hàng
Cách đây khoảng 3 năm, toàn xã có 75 hộ nuôi dông chủ yếu là tận dụng đất cồn, bãi cát khô cằn. Sản phẩm không có đầu ra do chưa có thị trường tiêu thụ, kéo theo giá bán khá thấp, khiến 25 hộ nuôi dông bỏ nghề (hiện chỉ còn 50 hộ nuôi). Nhưng nhiều tháng nay (từ cuối năm 2016 cho đến nay), giá dông thịt tăng ổn định, phổ biến từ 400.000 - 450.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao sau thời gian dài giá dông thịt tụt dốc, nên các hộ nuôi có dông xuất bán rất phấn khởi.
“Với diện tích chuồng nuôi rộng hơn 1 sào, tôi không đủ nguồn cung cấp cho các nhà hàng. Thời điểm trước năm 2013, giá dông thịt tăng trên 400.000 đồng/kg nhưng không giữ giá được lâu. Từ năm 2013 - 2015, giá lao dốc, mỗi kg còn 300.000 - 320.000 đồng, nhưng thương lái vẫn không muốn thu, nhiều người nuôi dông bỏ chuồng. Tôi cố giữ lại chuồng nuôi cho đến nay, giá tăng cao nên thu nhập mỗi tháng của gia đình từ dông là hơn 4 triệu đồng” - anh Phan Tuấn Hải (thôn Thiện Sơn), người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi dông cho biết.
Một người nuôi dông khác cùng thôn với anh Hải hồ hởi nói: “Mấy tháng nay, dông hút hàng, tăng giá. Gia đình tôi sẽ tiếp tục tăng đàn và mở rộng thêm diện tích nuôi 1.000 m2”.
Không nên phát triển ồ ạt
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, Trần Minh Quân giải thích: “Cách đây 3 năm, người tiêu dùng chưa biết nhiều về thịt dông khiến người nuôi không có thị trường tiêu thụ. Giá giảm kéo theo số hộ nuôi, số lượng đàn cũng giảm. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhờ vào nguồn khách du lịch, nhiều nhà hàng, khu resort, khách sạn từ cao cấp tới bình dân đang chuộng loại thịt này, cùng với việc nguồn cung thiếu nên giá dông thịt tăng cao”.
Dông là loài bò sát ăn rau, cỏ, trái trứng cá, các phế phẩm từ nông nghiệp, dễ nuôi, ít bệnh tật, vốn đầu tư thấp nên thích hợp cho các nông dân tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, người nuôi dông chủ yếu nuôi tự phát, chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Có thời điểm cung vượt cầu, khiến nhiều hộ bỏ nuôi trong thời gian dài. Đến nay, thị trường cần thì không có dông bán, giá tăng. Để tránh rơi vào vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá”, nông dân không nên phát triển nuôi dông một cách ồ ạt khi thấy giá tăng, hút hàng. Song hành cùng nông dân, các ngành chức năng nên trợ giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Trang Minh